Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo nghề cho người lao động tại Phú Xuyên: Bám sát nhu cầu người học

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2018 đến nay, huyện Phú Xuyên đã tổ chức được 25 lớp đào tạo nghề cho gần 900 lao động nông thôn.

Ngoài việc mở các lớp dạy nghề, UBND huyện còn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động sau đào tạo.
Hiệu quả thực tế
Trong số 25 lớp đào tạo nghề đã mở, huyện Phú Xuyên tổ chức được 10 lớp dạy nghề phi nông nghiệp như điện dân dụng, hàn điện, may công nghiệp… cho gần 350 học viên. Ngoài ra có 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật nuôi cá… cho 525 học viên.
 Người dân xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên thu hoạch khoai lang. Ảnh: Nguyễn Trường
Để triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề tới người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, huyện đã giao cho các phòng chuyên môn khảo sát nhu cầu học nghề của lao động ở địa bàn. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề sâu rộng đến các đối tượng theo quy định từ huyện đến cơ sở để nắm bắt và đăng ký học nghề.
Chị Phạm Minh Anh, xã Bạch Hạ là một trong những học viên đã tham gia khóa đào tạo nghề nông nghiệp (kỹ thuật trồng rau an toàn) cho biết, trước đây sản xuất nông nghiệp chủ yếu làm theo kinh nghiệm.
Tuy nhiên, qua lớp học, với sự hướng dẫn của giáo viên, chị đã biết cách gieo hạt giống để đạt tỷ lệ nảy mầm cao hơn và phát hiện sớm để kịp thời ngăn ngừa, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. “Chúng tôi đã được đào tạo thành thạo các kỹ năng trồng rau an toàn. Mong rằng sau này sẽ có thêm các lớp nâng cao kiến thức và đặc biệt là giới thiệu các đơn vị bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản” - chị Minh Anh đề xuất.
Còn anh Trần Văn Tuấn, xã Minh Tân sau khi tham gia khóa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cũng phấn khởi chia sẻ: "Được giáo viên hướng dẫn, tôi đã nắm được quy cách đào hố trồng bưởi đến độ sâu nào, khoảng cách giữa các cây là bao nhiêu, bón phân loại nào và liều lượng ra sao để đạt hiệu quả cao nhất".
Đa dạng các ngành nghề đào tạo
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết, HĐND huyện đã có Nghị quyết số 15 về việc hỗ trợ vốn đối với các hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất và có chính sách hỗ trợ riêng đối với phát triển nông nghiệp cũng như lao động sau đào tạo nghề.
Cụ thể, UBND huyện tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện cho vay vốn giải quyết việc làm đối với các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động sau học nghề.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành chia sẻ thêm, huyện sẽ tập trung đào tạo các nghề đa dạng hơn, trong đó chủ yếu vào đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp như khảm trai, may công nghiệp, mây giang đan… để phát triển các làng nghề truyền thống.
Đồng thời chuyển giao các kỹ thuật về trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi thú y nhằm phát huy thế mạnh sẵn có. Cũng theo ông Thành, thời gian tới, UBND huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để người lao động có nhận thức đúng đắn về học nghề. Trong đó, chú trọng thu hút người lao động, ưu tiên dạy nghề cho người dân ở các xã, thị trấn có nhu cầu thực sự.