Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Trường nghề bắt tay cùng doanh nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN khó tuyển dụng ứng viên có chất lượng, trong khi số người lao động thất nghiệp ngày càng nhiều ở trình độ cao. Để giải bài toán này, một số trường dạy nghề đã đi theo xu hướng kết hợp với DN trong đào tạo và đưa sinh viên đến thực hành thực tế.

 Người lao động đang ứng tuyển tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc
Hết thời đào tạo thiên về lý thuyết

Theo khảo sát, nhiều DN đến sàn giao dịch việc làm Hà Nội nhưng không tuyển dụng được nhân sự do người lao động (NLĐ) không đáp ứng yêu cầu kỹ năng nhưng lại đòi lương cao. Nhận thấy vấn đề này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã “bắt mối” cho một số trường nghề và DN ký kết hợp tác đào tạo. Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề (TCN) Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Với việc ký kết đào tạo với Khách sạn Melia, trường sẽ gửi học sinh đến DN thực tập đúng nghề đang học; khi các em tốt nghiệp sẽ được tuyển dụng vào làm việc ngay. Ngoài ký kết với Melia, nhà trường đang ký kết hợp tác đào tạo với 20 DN khác trên địa bàn TP. Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội, CĐN Cơ điện Hà Nội, CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội… cũng thực hiện hợp tác đào tạo với nhiều DN ở những nghề đang thu hút nhiều nhân lực

Với việc cùng nhà trường đào tạo nghề, đến nay nhiều DN ở Hà Nội không phải lo lắng, đôn đáo tuyển dụng nhân sự có chất lượng. Ông Mai Thanh Bình - Giám đốc Công ty CP Công nghệ điện lạnh Bình Minh cho hay: Trước đây, DN Bình Minh thường xuyên nhận sinh viên trường nghề đến thực tập và nhận thấy, sinh viên chủ yếu giỏi lý thuyết, nhưng không nắm vững thực hành. “Kể từ khi phối hợp với nhà trường cho sinh viên đến học và thực hành tại DN, các em được tiếp cận với những máy móc, thiết bị hiện đại và làm việc như những kỹ sư thực thụ. Thậm chí, thực tập tốt nghiệp, sinh viên được DN hỗ trợ từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày cộng với bao ăn, ở. Chúng tôi còn thông báo cho các em sau khi tốt nghiệp có nhu cầu thì quay lại công ty làm việc với mức lương thỏa thuận và chính sách đãi ngộ tốt” - ông Bình cho biết.

Kết hợp đào tạo - nâng tầm giá trị nhà trường

Nhờ thực hiện mô hình đào tạo theo yêu cầu DN nên vài năm nay, nhiều sinh viên học tại trường CĐN Công nghiệp Hà Nội chưa ra trường đã tìm được việc làm. Thậm chí, vào ngày nhà trường tổ chức trao bằng tốt nghiệp, có những DN đến tuyển dụng đành phải ra về tay không. Ông Bùi Chính Minh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường đang hợp tác với nhiều DN về cơ khí, điện tử - điện lạnh để sinh viên có nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế, việc hợp tác hai bên cùng có lợi, đặc biệt, sinh viên ra trường làm được việc ngay sẽ là xu hướng trong thời gian tới”. Trong khi ấy, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng trường CĐN Cơ điện Hà Nội khẳng định, đào tạo kết hợp với DN đã trở thành thương hiệu, giá trị của nhà trường và đối tác DN. Với nhà trường, đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bắt buộc để thực hiện chính sách cam kết việc làm cho người học trong 6 năm qua.

Lãnh đạo một số trường đang thực hiện mô hình hợp tác cũng nhận định, khi DN cùng xây dựng chương trình, tiếp nhận sinh viên đến thực tập, đánh giá kết quả đầu ra sẽ không còn câu chuyện “dạy nghề xa rời thực tế”, phải đào tạo lại. Và, không còn chuyện DN ngồi chờ sẵn ứng viên đến tuyển dụng mà phải vào cuộc "bắt tay" với nhà trường để đào tạo ra nguồn lao động có chất lượng.

Tuy nhiên, trong việc hợp tác giữa nhà trường và DN cũng xảy ra bất cập, cần có sự điều chỉnh để mang đến hiệu quả cao. Theo ông Bình, bất cập lớn nhất đối với DN chính là thời gian sinh viên đến thực tập ngắn. Chẳng hạn, DN mất hơn 1 tháng đào tạo sinh viên làm nghề, đến tháng thứ 3 khi tay nghề thành thạo thì lại hết thời gian thực tập. Trong khi, một dự án công trình kéo dài 5 - 6 tháng, sinh viên đến thực tập thì DN phải đăng ký làm thẻ ra vào, chi phí bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động... Vì thế, nhà trường bố trí mỗi đợt thực tập kéo dài 6 tháng.

Một vấn đề khác, khi nhà trường phối hợp với DN trong đào tạo thì chương trình phải linh hoạt nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh viên. Theo kinh nghiệm của các trường, hàng năm, cứ đến tháng 3 sẽ tổ chức hội nghị mời các DN đến để công bố nội dung, kế hoạch đào tạo. Về phía DN cũng sẽ cho biết thời điểm tiếp nhận thực tập để trường xây dựng modun môn học phù hợp và sinh viên cũng biết trước nơi thực tập để có sự chuẩn bị tốt nhất.