Đào tạo, sát hạch lái xe phải sát với thực tế đời sống

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) ở nước ta đang ngày càng tụt hậu so với thế giới. Muốn bắt kịp thời đại, chúng ta cần sự đổi mới, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là “cái mới” đưa ra sát với thực tế, mang được hơi thở đời sống.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có những trao đổi thẳng thắn về hiện trạng cũng như định hướng đổi mới của công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX với Báo Kinh tế & Đô thị.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên  
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên  

Chương trình đào tạo không còn phù hợp

Công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX ở nước ta đang trở thành chủ đề được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình đào tạo và sát hạch lái xe của chúng ta hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế đời sống. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng, chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX mà nước ta triển khai trong thời gian qua là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Nhờ chủ trương này, nhiều người dân đã có cơ hội để học, thi lấy bằng, từ đó bảo đảm đủ điều kiện quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, chúng ta cũng không thể phủ nhận một thực tế là trong quá trình thực hiện công tác đào tạo, sát hạch lái xe đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế.

Đầu tiên là chương trình đào tạo lái xe hiện nay có nhiều nội dung chưa phù hợp, nặng về lý thuyết mà thiếu phần thực hành. Hay như quy định người học phải học lý thuyết tập trung cũng được cho là không còn phù hợp với thực tế đời sống khi nhiều học viên vừa phải đi học, vừa phải đi làm. Các bài thi sát hạch cũng còn khá dễ dãi, tồn tại nhiều bất cập. Đây là những hạn chế đã bộc lộ từ lâu nhưng hiện chúng ta vẫn chưa thể khắc phục hết được. Điều này làm cho chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX của chúng ta hiện vẫn được đánh giá chưa cao. Thậm chí nhiều người dù đã được cấp bằng lái nhưng lại không đủ tự tin hoặc không đủ trình độ để lái xe ra đường.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế này, thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, chương trình đào tạo, sát hạch lái xe của nước ta bộc lộ những bất cập, hạn chế đầu tiên là sự bùng nổ về số lượng bằng lái được cấp mới trong thời gian qua. Việc xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân có thể tiếp cận, học và thi lấy bằng. Từ đó, số lượng người được cấp bằng ngày càng đông.

Trong khi đó, công tác quản lý, chương trình đào tạo của chúng ta vẫn giữ nguyên không có nhiều sự thay đổi. Từ đó dẫn đến sự lỗi thời, lạc hậu so với thời cuộc. Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng tràn lan các cơ sở, trung tâm sát hạch lái xe theo diện xã hội hóa, gây mất cân đối trong địa điểm xây dựng, cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hoạt động cũng là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Đổi mới phải bám sát thực tế đời sống

Với những bất cập, hạn chế trên, công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cần phải thay đổi điều gì để làm mới chính mình, thưa ông?

- Đầu tiên phải sắp xếp, quy hoạch lại các trường lái xe cho phù hợp. Làm sao để người dân ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể học lái ở ngay địa phương họ mà không cần phải lặn lội xuống tận Hà Nội để học nữa.

Thứ hai, cần phải áp dụng công nghệ hiện đại vào tất cả các khâu, từ đào tạo đến sát hạch và cấp GPLX. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, công nghệ áp dụng phải phù hợp và đồng bộ để bảo đảm tính tương thích và phát huy được hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là bảo đảm làm sao tránh được tình trạng ùn tắc hệ thống khi mà số lượng người được cấp bằng đang ngày càng lớn.

Chẳng nói đâu xa, vừa qua chương trình đấu giá biển số xe, cũng bởi quá đông người tham gia, hệ thống tắc nghẽn nên đã có lúc phải tạm dừng.
Hiện nay chúng ta mới nghiêng về đào tạo lái xe ô tô. Giờ chúng ta phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo lái xe nhỏ hơn như xe máy, mô tô, xe điện. Chúng ta cần bổ sung vào các quy định cụ thể.

Vừa rồi, một trung tâm đã tổ chức được nơi học lái xe máy tập trung trên Từ Sơn dành cho nhiều đơn vị, chất lượng hơn nhiều so với một số nơi chỉ có học lý thuyết qua loa rồi đi có vài vòng là đã có bằng, chất lượng không tốt.

Đó là về công tác quản lý, còn về nội dung chương trình đào tạo và sát hạch lái xe, theo ông có cần thay đổi gì không?

- Đương nhiên là chương trình đào tạo và sát hạch lái xe cũng phải thay đổi nhiều. Phần học nên đổi mới theo hướng mở, làm sao để học viên có thể chủ động trong việc học lý thuyết, học luật mà không cần phải đến học những lớp tập trung.

Cách làm này đã lỗi thời, nhiều nước trên thế giới đã không còn áp dụng. Nội dung chương trình học cũng nên điều chỉnh theo hướng giảm bớt phần lý thuyết, tăng thêm phần thực hành. Mục đích quan trọng nhất của việc đào tạo lái xe là giúp học viên được trang bị đầy đủ bộ kỹ năng điều khiển phương tiện một cách an toàn và đúng luật khi tham gia giao thông. Do đó, những bài thực hành, đặc biệt là xử lý những tình huống đột xuất trên đường là quan trọng nhất và cần phải được chú trọng nhiều hơn cả.

Còn về phần sát hạch, phải siết chặt công tác sát hạch lái xe. Bảo đảm những người vượt qua được kỳ sát hạch phải là những người đáp ứng đủ và đúng những tiêu chuẩn để được cấp bằng lái. Có như vậy, người được cấp bằng khi điều khiển xe ra đường mới bảo đảm an toàn cao nhất cho bản thân họ cũng như những người khác tham gia giao thông.

Đây đều là cách làm mà các nước phát triển trên thế giới đều đang áp dụng. Ở nhiều nước, học viên có thể chủ động học lý thuyết, thuê thầy dạy lái… nhưng khi đi sát hạch thì sẽ rất khủng khiếp, rất khó khăn. Việc một người thi đi thi lại đến gần chục lần ở nước ngoài là chuyện rất bình thường.

 

Số lượng người được cấp bằng lái đang ngày càng tăng, theo tôi được biết hiện cả nước đã có khoảng 2 triệu người đã được cấp bằng lái. Trong khi đó, trình độ khoa học kỹ thuật đang ngày càng phát triển, trình độ quản lý Nhà nước cũng phát triển. Chúng ta đang dần chuyển sang thời đại số hóa. Với sự tham gia ngày càng mãnh liệt của công nghệ hiện đại, công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp. Cần phải có một giải pháp quản lý, điều hành đủ khả năng đảm đương một số lượng lớn người được cấp bằng hiện nay.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên

 

Trên thực tế trong thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cũng đã có nhiều đổi mới. Thế nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo quan điểm của ông, để “làm cách mạng” thành công trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, yếu tố nào là quan trọng nhất?

- Muốn đổi mới hiệu quả trước hết phải làm đúng và trúng. Đúng là thay đổi đúng những thứ cần thay, loại bỏ đúng những cái cần bỏ và giữ lại những thứ vẫn còn hữu dụng. Đó là sự chắt lọc. Tuy nhiên, với bất kỳ lĩnh vực nào, một chủ trương mới, một cách làm mới khi đi vào đời sống muốn có chỗ đứng đầu tiên phải sát với thực thế cuộc sống. Nếu thiếu thực tiễn, xa rời đời sống sinh động thì dù chủ trương vĩ đại đến đâu, cách làm có hoành tráng đến mấy cũng đều không mang đến sự hiệu quả, thậm chí còn có thể phản tác dụng.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cũng cần nhìn lại những ưu điểm và khuyết điểm trong lĩnh vực đào tạo lái xe thời gian qua. Chúng ta cần thừa nhận ngành GTVT đã có nhiều cố gắng, chủ trương xã hội hóa đào tạo lái xe cũng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Không vì một vài thiếu sót nào đó mà chúng ta bác bỏ sự cố gắng của lực lượng đào tạo, sát hạch lái xe trên cả nước.

Xin cảm ơn ông!