Đáp ứng yêu cầu phát triển của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 93 năm hình thành và phát triển (28/7/1929 – 28/7/2022), Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển về quy mô tổ chức, “làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Công nhân làm việc tại Công ty CP Xích líp Đông Anh.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Xích líp Đông Anh.

Tổ chức Công đoàn các cấp đã tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn

Trong bối cảnh tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức với những thuận lợi và khó khăn đan xen, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết 02) được ban hành đã khẳng định sự quan tâm, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW, công tác tổ chức học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 02 tại các địa phương, ngành được tổ chức bài bản, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, nhất là trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Hoạt động của các cấp Công đoàn đã có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao.

Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội ký Quy chế phối hợp công tác với Ban Thường vụ các Quận ủy: Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ảnh: Mai Quý. 
Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội ký Quy chế phối hợp công tác với Ban Thường vụ các Quận ủy: Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ảnh: Mai Quý. 

Tại Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp công tác, giai đoạn 2022-2025 với Ban Thường vụ 30 Quận, Huyện, Thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội (gồm Đảng ủy Khối các Cơ quan TP Hà Nội, Đảng ủy Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội).

Theo đó, Quy chế phối hợp nêu rõ, các bên phối hợp trong công tác tổ chức, cán bộ; tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, làm cơ sở phát triển đảng viên, thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp; quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam; tổ chức các phong trào thi đua thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao phúc lợi đoàn viên, người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, việc ký kết Quy chế phối hợp công tác là tiền đề quan trọng để Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ TP và Ban Thường vụ các Quận, Huyện, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Công đoàn ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Có thể nói, Quy chế phối hợp trên đã bao quát các vấn đề cốt yếu, cho phép hình thành một mặt trận sâu rộng, chủ động trợ lực cho tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.  

Không ngừng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động

Theo báo cáo kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII của LĐLĐ TP cho thấy, đến nay, 100% đơn vị toàn TP tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, viên chức và 3.002 đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động (đạt 65,5%).

Thông qua tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, viên chức và Hội nghị người lao động, đã phát huy được quyền làm chủ của Cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong việc tham gia kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp ngày càng phát triển, đồng thời phát huy vai trò đại diện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho công nhân viên chức lao động của tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở.

Cán bộ LĐLĐ quận Long Biên hướng dẫn Công đoàn cơ sở tổ chức họp, thương lượng, đàm phán để đi đến xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Ảnh: Phạm Diệp.
Cán bộ LĐLĐ quận Long Biên hướng dẫn Công đoàn cơ sở tổ chức họp, thương lượng, đàm phán để đi đến xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Ảnh: Phạm Diệp.

Các cấp công đoàn đã chú trọng nâng cao chất lượng thương lượng, ký hết thỏa ước lao động tập thể, góp phần cụ thể hóa các quy định của pháp luật với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của đơn vị. Đến nay đã có trên 62,4% doanh nghiệp ký kết được thỏa ước lao động tập thể; riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 625 bản thỏa ước lao động tập thể được thương lượng, ký mới.

Qua công tác tự kiểm tra, các công đoàn cơ sở đã phát hiện các thiếu sót, tồn tại và đã kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết, khắc phục kịp thời, góp phần tăng cường chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Chú trọng chăm lo cho người lao động, LĐLĐ TP đã hỗ trợ 16,082 tỷ đồng cho 14.155 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ 1,705 tỷ đồng cho 1.705 đoàn viên, người lao động là lực lượng Y tế tuyến đầu chống dịch TP Hà Nội; Hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn”, số tiền 2 tỷ đồng… Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chi 6,96 tỷ hỗ trợ 9.281 đoàn viên, người lao động. Các Công đoàn cơ sở đã chi 16,265 tỷ đồng, hỗ trợ 28.559 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động xã hội nhằm chăm lo nữ công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn và con công nhân viên chức lao động, trẻ em bị nhiễm chất độc dioxin, các cháu vượt khó học giỏi… được các cấp Công đoàn quan tâm, góp phần giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Để làm tốt hơn nữa những việc liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Phi Thường cho biết, thời gian tới, Công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền đồng cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Phòng chống cháy nổ đối với người lao động; giải quyết kịp thời các vụ ngừng việc tập thể và các cuộc tranh chấp lao động; các đơn thư, thư khiếu nại, kiến nghị của công nhân viên chức lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Cùng với đó, chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn trên địa bàn; công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tạo việc làm, tham gia sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.