Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt biểu tượng rùa vàng tại Hồ Gươm: “Đề xuất tủn mủn, không đáng để bàn”

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - KTS Lê Văn Lân, nhà văn Nguyễn Việt Hà cùng các chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật đặc biệt phản đối việc đặt biểu tượng rùa vàng tại Hồ Gươm.

Mới đây, ông Tạ Hồng Quân, tác giả đề án tượng rùa vàng Hồ Gươm một lần nữa gửi lên UBND TP Hà Nội đề xuất đúc tượng đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 m, cao 3,5 m, nặng khoảng 6-10 tấn, hình rùa để đặt tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn. Kinh phí đúc tượng được huy động xã hội hóa.
Theo ông Tạ Hồng Quân, năm 2011, ông từng gửi đề án đúc tượng Rùa vàng đến UBND TP Hà Nội song chưa được cơ quan TP trả lời. Cuối năm 2016, ông lần nữa gửi kiến nghị này đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ông Quân cho biết, ý tưởng đúc tượng rùa bắt nguồn từ truyền thuyết lịch sử như rùa giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa; Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy. Thực tế Hồ Gươm từng có con rùa mai mềm quý hiếm sống nhiều năm, được người dân Hà Nội và cả nước yêu mến. "Hiện tại Việt Nam thiếu một biểu tượng nhận diện mang đậm bản sắc dân tộc, trong khi nhiều nước có như Pháp với tháp Eiffel, Mỹ có tượng nữ thần tự do" - ông Quân chia sẻ. Nếu đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt thì nhóm thực hiện sẽ tổ chức cuộc thi tạo biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm.
Mô hình biểu tượng rùa vàng 10 tấn tại Hồ Gươm được phác thảo trong đề án
Ngay sau khi ý tưởng này được công bố, ý kiến đồng tình thì ít mà phản đối thì nhiều.
KTS Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch KTS Hà Nội cho rằng: Tôi thấy ý tưởng đặt biểu tượng rùa vàng tại Hồ Gươm là nhảm nhí, không đáng để tốn nhiều công sức bàn luận của mọi người. Tôi biết trước đó năm 2011 tác giả này cũng đã đặt đề án trên gửi UBND TP Hà Nội, tuy nhiên Hà Nội cũng chỉ ghi nhận và không mời các nhà khoa học bàn sâu thêm về vấn đề này.
Theo KTS Lê Văn Lân Hà Nội không nên đặt thêm bất kỳ biểu tượng nào cho Hồ Gươm nữa. Những ý tưởng đặt biểu tượng quá tủn mủn. Chúng ta nên ngồi nghĩ một cách sâu hơn, hoàn thành quy hoạch cụ thể hơn cho Hồ Gươm. Và Hồ Gươm càng để nó tinh khiết là tuyệt vời nhất. Đừng nên suy nghĩ truyền thuyết về vua Lê Lợi gắn với rùa Hồ Gươm là phải đặt biểu tượng rùa vàng do đó, cũng đừng nghĩ Pháp có tháp Eiffel, Mỹ có tượng nữ thần tự do là Hà Nội phải có biểu tượng rùa vàng. Đó là cách nghĩ thiển cận. Bởi vì, biểu tượng tháp rùa tại Hồ Gươm đã giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra ở trên.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng không bàn luận quá sâu về ý tưởng này mà chỉ một mực khẳng định anh thấy ý tưởng này phi lý và anh không đồng quan điểm. “Tôi cho rằng không có mối liên kết nào giữa biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm với lịch sử Hồ Gươm cả, nó không hợp lý” – nhà văn Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.
Dưới góc độ mỹ thuật, họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết, ông không thấy vẻ đẹp của hình tượng rùa vàng qua phác thảo của đề án. Họa sĩ Trần Khánh Chương còn bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, mẫu phác thảo về Rùa vàng đang làm thay đổi nghiêm trọng hình tượng Rùa vàng truyền thống.
Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, hiện nay cơ quan này chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ TP cho những đề xuất trong đề án này nên cũng không muốn bày tỏ quan điểm. “Tấm lòng của công dân Hà Nội, cơ quan quản lý luôn đón nhận, tuy nhiên chắc chắn Hà Nội không bao giờ vội vàng, chủ quan cho xây dựng những biểu tượng xung quanh Hồ Gươm” – ông Tô Văn Động nhấn mạnh.