Đặt cược cửa trên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu từ hôm 24/5 với sự tháp tùng của lãnh đạo 30 tập đoàn hàng đầu nước này đã làm nóng lên cuộc đấu địa chính trị vì Myanmar, vốn đã được Trung Quốc và Mỹ khởi xướng cách đây hơn một năm.

Vì thế, dù ý nghĩa và tầm vóc chính trị không thể ngang bằng với chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thein Sein nhưng vẫn là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, thậm chí còn mang lại những kết quả về phương diện kinh tế vượt xa chuyến thăm Mỹ của ông Thein Sein.
 
Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tới thăm Myanmar kể từ năm 1977 cho dù suốt nhiều thập kỷ qua Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ với Myanmar chứ không tẩy chay và ngưng trệ quan hệ như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Cần phải nói thêm rằng, ngay từ đầu tháng Giêng, ông Shinzo Abe đã chọn Myanmar làm điểm đến dành cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Phó Thủ tướng Taro Aso.
 
 
Đặt cược cửa trên - Ảnh 1
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Myanmar U Thein Sein trong cuộc hội đàm hôm 26/5.     Ảnh: TTXVN
 
 
Chuyến thăm của nhân vật chủ chốt trong Nội các Nhật Bản đã phát đi thông điệp xóa bỏ mọi sự trừng phạt với Myanmar. Và sự hiện diện của ông Abe tại Myanmar giống như là phần thưởng mà Nhật Bản dành cho nỗ lực cải cách của quốc gia Đông Nam Á này.
 
Từ sau khi Myanmar tiến hành cải cách chính trị và dân chủ hoá, khá nhiều lãnh đạo các cường quốc chính trị cũng như kinh tế của thế giới đã tới Myanmar để bình thường hoá và cải thiện quan hệ. Nhưng chưa đối tác nào đi vào hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cụ thể như Nhật Bản.
 
Cách tiếp cận của Nhật Bản ở đây là dùng hiệu quả thiết thực làm nền tảng chính cho lợi ích chung và dùng lợi ích chung này để gắn kết cũng như ràng buộc lẫn nhau vào quan hệ hợp tác nên kết quả chuyến thăm Myanmar của ông Abe đã giúp Nhật Bản vượt xa tất cả các đối tác khác.
 
Ông Abe đã thoả thuận với phía Myanmar về xây dựng hẳn một khu kinh tế đặc biệt cho giới kinh tế Nhật Bản rộng 2.400 ha ở Myanmar, trong đó có cả hải cảng và khu công nghiệp. Ông Abe còn chuẩn bị sẵn 1 tỷ USD viện trợ phát triển cho Myanmar.
 
Đối với Myanmar, phát triển quan hệ với Nhật Bản có tầm quan trọng đặc biệt vì Nhật Bản vừa là động lực lại vừa có thể là đối trọng cho Myanmar thúc đẩy quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác khác. Nhật Bản nhằm vào nguồn tài nguyên dồi dào, tiềm năng thị trường và nhu cầu phát triển của Myanmar trong cũng như sau cải cách chính trị, nhưng đồng thời cũng còn cả vị thế địa chiến lược của Myanmar.
 
Nhờ sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ, dòng vốn tư bản lớn của Nhật Bản, Myanmar đang trở thành vũ đài của cuộc đấu địa chính trị cam go mà Tokyo đang nắm phần thắng rất cao khi có thể kiểm soát được nguồn tài nguyên dồi dào, quy mô thị trường tiêu thụ lớn và vị trí độc đáo của đất nước này trên bản đồ châu Á.