Đất ở Hà Nội đã bị nhiễm mặn do biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 20/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu tổ chức hội thảo Kinh tế xanh trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu của thế giới. Nhằm triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khi hậu giai đoạn 2012-2015, UBND thành phố đã ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
 
Đất ở Hà Nội đã bị nhiễm mặn do biến đổi khí hậu - Ảnh 1
 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề cơ bản như: biến đổi khí hậu ở Việt Nam, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới tăng trưởng xanh; tham luận về kinh tế xanh có vai trò của bạn; tăng cường vai trò của rừng và hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam…

 

Những nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu nói chung đối với sức khoẻ cũng cho thấy, biến đổi khí hậu làm mùa khi hậu thay đổi, nổi bật là sự kéo dài mùa hè và sự rút ngắn mùa đông từ một đến hai tháng, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Nó cũng gây ảnh hưởng bất lợi đến nhịp sinh học và tập quán sinh hoạt cũng như sức khoẻ con người, nhất là người già và trẻ em.

Trong khi đó, các đợt nóng tăng lên khoảng 100-200% cũng là nguyên nhân tác động đến sức khoẻ. Nó làm bùng phát mạnh hơn các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy… làm tăng khả năng nhiễm bệnh và tử vong. Dự báo, số ca mắc tiêu chảy có thể tăng lên gấp 2 lần trong năm 2020 và 11,6 lần vào năm 2100.

Theo thạc sĩ Quách Tất Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng Ozôn, Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến Việt Nam một cách rõ rệt trên nhiều phương diện.

Theo đó, lượng mưa trong năm giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam. Tính trung bình trong cả nước, lượng mưa năm trong 50năm qua đã giảm khoảng 2%. Đặc biệt, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam giảm đi rõ rệt trong hai thập kỷ qua.

Các biểu hiện dị thường lại thường xuất hiện trong thời gian gần đây (điển hình là đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày trong tháng 1/2008 ở Bắc Bộ). Trong khi đó, những năm gần đây, bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Quỹ đạo bão có dấu hiệu chuyển dần về phía nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi dị thường hơn.

Đặc biệt, số liệu quan trắc tại các trạm hải văn dọc ven biển Việt Nam cho thấy mực nước biển trung bình dâng vào khoảng 3mm/năm và trong khoảng 50 năm qua, số liệu mực nước biển tại Trạm hải văn Hòn Dấu cho thấy đã dâng khoảng 20cm.

Tại Hội thảo do ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội còn cho biết, không phải chỉ có những địa phương gần biển mới bị nhiễm mặn. Ngay tại Hà Nội, khi quan trắc ở độ sâu 40m tại khu vực Lĩnh Nam đã cho thấy đất bị nhiễm mặn. Trong khi đó, tại Phú Lý (Hà Nam) hiện đã không còn nước ngầm.

Trước những tác hại của biến đổi khí hậu, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Hùng, Văn phòng Chương trình điều phối hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới tăng trưởng xanh.

Theo đó, chính sách bao gồm 5 nội dung chính: Biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Biến đổi khí hậu và quá trình phát triển chính sách; chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

 
Hội thảo được tổ chức không chỉ nhằm định hướng xây dựng nền kinh tế xanh, về đường lối phát triển kinh tế hướng đến một tương lai tươi sáng, con người dần thích ứng và giảm thiểu tối đa những tác động của biến đổi khí hậu mà còn trang bị những thông tin, kiến thức bổ ích về định hướng xây dựng một nền kinh tế xanh, các nhà quản lý có được góc nhìn toàn diện về vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng một nền kinh tế bền vững.