Tỷ lệ cao người dân đồng ý
Đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, 20/20 quận, huyện, thị xã của TP (Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Sơn Tây) đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn. Sau khi hoàn tất việc này, trong tuần qua, Ban Chấp hành Đảng bộ các phường, xã đã họp thông qua Nghị quyết tán thành về chủ trương thành lập ĐVHC mới, trình Ban chấp hành Đảng bộ và HĐND cấp xã thông qua, tiếp đó, UBND xã trình lên cấp huyện, từ đó HĐND quận, huyện, thị xã đều đã tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn.
“Đáng chú ý, các địa phương đều đạt kết quả cao về tỷ lệ cử tri đồng ý với phương án sắp xếp cũng như phương án đặt tên của ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp, trong đó nhiều đơn vị có tỷ lệ đồng ý đạt tới 100%. Như vậy, các đơn vị đều đã đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã theo quy định và tiến hành các bước tiếp theo đúng lộ trình”- Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) Bùi Đình Thái khẳng định.
Điển hình tại quận Đống Đa, với nhiệm vụ thực hiện sắp xếp ĐVHC của 10 phường, 143 tổ công tác đã được thành lập để lấy ý kiến cử tri. Kết quả cuối cùng, 80.391/80.395 cử tri đã tham gia bỏ phiếu, đạt 99,99% tổng số cử tri của 10 phường, trong đó, tỷ lệ đồng ý với việc sắp xếp và với tên gọi ĐVHC mới đều đạt từ 99% trở lên, riêng phường Khương Thượng đạt 100%.
Trưởng Phòng Nội vụ UBND Quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng cho hay, với số lượng rất lớn cử tri cần lấy ý kiến nhưng chỉ trong vòng 5 ngày, 7 phường thuộc diện sắp xếp ĐVHC của quận (Bách Khoa, Cầu Dền, Đống Mác, Đồng Nhân, Thanh Nhàn, Bạch Mai, Quỳnh Lôi) đã nhanh chóng hoàn thành lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp, đạt tỷ lệ người dân đồng thuận với việc sáp nhập là 99,63% và đồng thuận với phương án tên gọi ĐVHC mới là 99,34%.
Đối với quận Ba Đình, qua lấy ý kiến cử tri về “Sáp nhập phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch” và “Tên ĐVHC mới sau sắp xếp là phường Trúc Bạch”, có 100% cử tri thuộc diện lấy ý kiến đã tham gia bỏ phiếu. Kết quả, phường Trúc Bạch đạt 99,92% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập, 100% cử tri đồng ý với tên phường mới; phường Nguyễn Trung Trực đạt 98,13% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập và 97,56% đồng ý tên gọi phường mới.
Đặc biệt, huyện Thanh Oai đã hoàn tất công tác này từ rất sớm, đến trưa 31/3 tại cả 5/5 xã, thị trấn thuộc diện xắp sếp ĐVHC đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri, đạt tỷ lệ đồng thuận với phương án sáp nhập và với tên gọi ĐVHC mới đều trên 99%...
Ở nhiều đơn vị cấp xã khác thuộc các quận, huyện, thị xã như Hà Đông, Gia Lâm, Sơn Tây... cũng đạt tỷ lệ người dân đồng thuận cao về tên gọi ĐVHC sau sắp xếp.
Chỉ đạo sát sao, tuyên truyền sâu rộng
Việc đặt tên của ĐVHC sau sắp xếp là vấn đề quan trọng, được người dân rất quan tâm. Tại Hà Nội đã đạt được tỷ lệ cao người dân đồng thuận với phương án tên gọi của ĐVHC cấp xã sau sắp xếp. Điều đó được đánh giá chính là thành quả của sự thận trọng, bài bản trong từng bước triển khai tại từ các địa bàn dân cư cho tới toàn TP.
Nổi bật tại Quận Hai Bà Trưng, trực tiếp Chủ tịch UBND quận đã đến từng phường, từng đơn vị để kiểm tra việc tuyên truyền vận động và nắm bắt tâm tư người dân; đồng thời giao các phường tổ chức họp báo cáo Ban chấp hành và quán triệt, truyền đạt đến các hội đoàn thể, để hội viên về địa bàn tuyên truyền vận động Nhân dân.
Trước việc một số người dân còn bày tỏ băn khoăn về tên gọi của phường mới sau sắp xếp, toàn hệ thống chính trị quận và các phường đã vào cuộc tuyên truyền sâu rộng về các nguyên tắc chung cùng những lý do cụ thể để đặt tên ĐVHC mới. Đó là, đối với 7 phường thuộc diện sắp xếp của quận hiện tại đều có ý nghĩa và do lịch sử để lại, quận thực hiện sắp xếp từ 7 phường hiện có thành 4 phường chứ không phải là thành lập 1 phường mới, vì thế các phường sau sắp xếp không nên đặt mới mà nên chọn tên của 1 trong 2 phường trước khi sắp xếp và đó nên là phường với quy mô diện tích, dân số lớn hơn hoặc có yếu tố lịch sử truyền thống văn hóa tiêu biểu của địa phương. Nhờ vậy, sẽ bảo đảm tối thiểu số người dân bị ảnh hưởng đến đời sống sau sắp xếp, như thay đổi thông tin cư trú, chuyển đổi giấy tờ liên quan, thực hiện thủ tục hành chính…
Với cách tuyên truyền như vậy, phương án nhập một phần nhỏ diện tích, dân số 2.036 người của phường Cầu Dền và phường Thanh Nhàn có dân số 20.863 người, với tên phường mới là Thanh Nhàn, bảo đảm chỉ tối thiểu số dân 2.036 người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, đã đước đại đa số người dân đồng thuận: 99,79% cử tri phường Cầu Dền và 99,97% cử tri phường Thanh Nhàn đồng ý tên phường mới.
Tương tự, các phương án khi nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số phường Cầu Dền-phường Bách Khoa, lấy tên phường mới là Bách Khoa và nhập toàn bộ phường Quỳnh Lôi vào phường Bạch Mai đều đạt tỷ lệ trên 99% cử tri đồng thuận, với lý do bảo đảm tính thuyết phục cao. Đó là, số người dân hiện tại ở phường Bách Khoa nhiều hơn số người dân hiện ở phường Cầu Dền nhập vào, và số người dân hiện tại phường Bạch Mai nhiều hơn số dân hiện tại của phường Quỳnh Lôi, nên tên gọi 2 phường mới là Bách Khoa và Bạch Mai sẽ tránh ảnh hưởng tới số người dân này.
Cùng đó, phương án nhập toàn bộ phường Đống Mác và phường Đồng Nhân cũng đạt được tỷ lệ cao người dân đồng ý tên ĐVHC mới, với lý do: Dù số dân phường Đồng Nhân ít hơn phường Đống Mác, nhưng xét các yếu tố lịch sử truyền thống văn hóa tiêu biểu thì phường Đồng Nhân xưa là làng cổ Đồng Nhân gắn với lịch sử phát triển Thăng Long-Hà Nội, có chứng tích là đền thờ Hai Bà Trưng được xây vào năm 1142 và trên địa bàn hiện có Cụm di tích Đền thờ Hai Bà Trưng (còn gọi Đền Đồng Nhân)-chùa Viên Minh-đình Đồng Nhân, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1962 và được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt năm 2019.
Đây là di tích Quốc gia đặc biệt duy nhất của quận, và quận vinh dự được mang tên Hai Bà Trưng; từ lâu lễ hội Đền Đồng Nhân (lễ hội Đền Hai Bà Trưng) đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Thủ đô, đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Kết quả, đã có 99,38% cử tri phường Đồng Nhân và 95% cử tri phường Đống Mác đồng ý tên phường mới là Đồng Nhân.
Theo Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Mạnh Hùng, việc lấy ý kiến cử tri tại các xã diện sắp xếp trên địa bàn đã được thực hiện bảo đảm thời gian và trình tự. Cán bộ cơ sở đến từng hộ dân phát phiếu, đề nghị cử tri cho ý kiến vào phiếu và thu phiếu ngay- việc này được thực hiện song song với tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân ủng hộ chủ trương và tạo thuận lợi cho các tổ lấy ý kiến. Các địa phương còn phân công cán bộ bám sát cơ sở, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn sát sao việc lấy ý kiến. Chính sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai bài bản và chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, địa điểm đã giúp việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp ĐVHC diễn ra thuận lợi, đạt kết quả cao.
Đối với quận Đống Đa, đáng ghi nhận là 2 ĐVHC mới có tên ghép từ các phường cũ được người dân đồng tình cao. Đó là sáp nhập toàn bộ phường Quốc Tử Giám và phường Văn Miếu thành phường Văn Miếu-Quốc Tử Giám, xuất phát từ lý do cả 2 phường đều có yếu tố đặc thù là phường trọng điểm về quốc phòng an ninh và trên địa bàn cùng có cụm di tích Quốc gia đặc biệt là khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Một phần phường Trung Tự nhập vào phường Phương Liên cũng được lấy tên mới là Phương Liên-Trung Tự, do phường Phương Liên có di tích lịch sử đền Kim Liên, còn Trung Tự vốn là làng cổ hình thành từ làng Trung Tự và một phần đất làng Khương Thượng cổ...
Còn theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Nội vụ UBND quận Ba Đình, ban đầu, một số cán bộ cơ sở tâm tư về việc đặt tên phường mới là Trúc Bạch, nhưng sau khi được tuyên truyền rõ việc chọn tên dựa trên yếu tố lịch sử, địa danh Trúc Bạch có từ thế kỷ 19, trong khi địa danh Nguyễn Trung Trực vào những năm 1978-1979 mới xuất hiện; nếu ghép hai tên Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực cũng không phù hợp..., thì họ đã rất ủng hộ.
Giai đoạn 2023-2025, cả nước có 50 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp lại, dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị; có 1.243 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp lại, dự kiến sau sắp xếp giảm 619 đơn vị. Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đã nêu rõ: Việc đặt tên, đổi tên ĐVHC hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của UBTV Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Trường hợp nhập các ĐVHC cùng cấp thì khuyến khích sử dụng một trong những tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành sau sắp xếp.
Điều kiện thuận lợi để thực hiện đúng lộ trình
Nhấn mạnh các bước thực hiện công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã lưu ý, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy cần lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã đặc biệt quan tâm 2 vấn đề là tên gọi của ĐVHC mới và việc sắp xếp cán bộ, công chức. “Tên gọi là vấn đề được dư luận Nhân dân đặc biệt quan tâm, nên trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị cần xem xét kỹ lưỡng những yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Trong đó, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi sắp xếp hoặc tên gọi được sử dụng trong quá trình hình thành, phát triển của đơn vị mình; đồng thời có phương án, cách làm phù hợp thực tiễn tại cơ sở, nhằm tạo đồng thuận, thống nhất”- ông Trần Đình Cảnh nhấn mạnh.
Quán triệt tinh thần đó, trong quá trình triển khai, các quận, huyện, xã, phường đã thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, mục đích, phương án cũng như lý do vì sao sáp nhập và lý do đặt tên phường mới, dưới nhiều hình thức phong phú như loa truyền thanh, hội họp, các cổng, trang thông tin điện tử... để người dân hiểu rõ.
Có thể thấy, việc đặt tên ĐVHC cấp xã mới của Hà Nội đã đáp ứng đúng quy định, đặc biệt là hài hòa được các yếu tố lịch sử, truyền thống và đồng thuận cao trong Nhân dân. Đây chính là một điều kiện thuận lợi để TP tiến hành các bước tiếp theo trong lộ trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 đúng tiến độ được giao.
Theo đó, sau khi các quận, huyện hoàn chỉnh hồ sơ gửi về, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp xây dựng hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC, báo cáo UBND TP trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy. Sau khi được đồng ý về chủ trương của cấp có thẩm quyền, UBND TP sẽ trình HĐND TP tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/5/2024. Tiếp đó, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Nội vụ và Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để hoàn thành trước ngày 31/5/2024.