Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt yêu cầu cao hơn trong thẩm định nông thôn mới

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2016, song chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí chưa thực sự bền vững.

Kết quả chưa đồng đều
Theo đánh giá của Ban Điều phối NTM T.Ư, trong 6 tháng đầu năm 2016, tiến độ triển khai chương trình xây dựng NTM có dấu hiệu chững lại do các địa phương lúng túng trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ của giai đoạn mới. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, tiến độ ở nhiều địa phương đã được đẩy nhanh.
Tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2016, đã có thêm 14 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 46,4% tổng số huyện được công nhận đạt chuẩn và có thêm 640 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến nay, cả nước đã có 2.235 (25,07%) xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu có 25% số xã đạt chuẩn năm 2016. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,45 tiêu chí/xã.

Đường bê tông khang trang mới hoàn thành với sự góp sức của người dân tại xã Đông Quang, huyện Ba Vì.       Ảnh: Quang Thiện

Có thể nói, sau 6 năm triển khai thực hiện, NTM đã thực sự hiện hữu ở nhiều vùng nông thôn trên cả nước. Trên cơ sở định hướng của T.Ư, nhiều địa phương đã tìm ra những mô hình NTM mang tính đặc trưng riêng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều, thiếu đồng bộ. Đặc biệt là hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị và phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân.
Bên cạnh đó, tốc độ đạt chuẩn NTM của cả nước tăng nhanh hơn so với giai đoạn trước nhưng kết quả đạt chuẩn của các địa phương chưa đồng đều. Bên cạnh các địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn cao thì vẫn còn nhiều địa phương, mặc dù có điều kiện kinh tế phát triển nhưng chưa có sự đầu tư đúng mức nên kết quả đạt chuẩn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, thậm chí vẫn còn tỉnh đến nay chưa có xã đạt chuẩn NTM. Điều đáng nói, chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí NTM chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề bức xúc của người dân nông thôn, đặc biệt là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và công nghiệp phát triển.
Đặt ra yêu cầu cao hơn
Theo mục tiêu đề ra, phấn đấu đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 30% số xã đạt chuẩn NTM, 35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm 1 tiêu chí so với năm 2016. Không chỉ đạt chỉ tiêu về mặt số lượng, vấn đề nâng cao chất lượng xây dựng NTM cũng đặc biệt được quan tâm. Theo Ban Điều phối NTM T.Ư, nhiệm vụ trong thời gian tới là phải xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp cho các địa phương thực hiện các Đề án xây dựng NTM đặc thù, góp phần tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền của cả nước. Đồng thời, tập trung chỉ đạo cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, mặc dù cả nước đã có 25% số xã đạt chuẩn NTM, nhưng mức độ thực hiện ở các địa phương miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đạt thấp. Bên cạnh đó, nợ xây dựng cơ bản (XDCB) trong xây dựng NTM ở nhiều địa phương chưa được giải quyết. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhất là về chất lượng công tác thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM cũng như vấn đề nợ đọng XDCB. Qua đó, tập trung chỉ đạo các tỉnh, TP xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB trong xây dựng NTM.
Dự kiến, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng dự thảo để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ đọng XDCB trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ban Điều phối NTM T.Ư cũng đề nghị bổ sung tiêu chí về nợ đọng XDCB trong việc thẩm định và xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM.
Năm 2016, cả nước huy động được khoảng 332.475 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó ngân sách T.Ư là 7.374 tỷ đồng (2,2%), ngân sách địa phương 23.193 tỷ đồng (7%) và các nguồn vốn huy động khác.