Dấu ấn 100 năm của sân khấu kịch nói

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTT&DL phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921 – 2021).

Đến dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Lê Hải Bình cùng đại diện các Bộ, Ban, Ngành và đông đảo các nghệ sĩ.
 100 diễn viên, nghệ sĩ sân khấu kịch tại Lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết: Vở kịch “Chén thuốc độc” của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long được ra mắt tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội 100 năm trước đây đã tạo bước ngoặt lịch sử cho nền sân khấu Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu việc Việt hoá loại hình nghệ thuật tiếp nhận từ văn hoá phương Tây, qua quá trình phát triển, đã tiếp thu một cách chọn lọc, đầy sáng tạo để hình thành nên kịch nói Việt Nam – loại hình sân khấu vừa hiện đại vừa mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc, giúp sân khấu Việt Nam cân đối về thể loại, phong phú về nội dung phản ánh; hiện đại về nghệ thuật diễn tả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, nhu cầu thưởng thức của khán giả và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông phát biểu. 

Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, Kịch nói Việt Nam có sự thăng trầm cùng với mỗi giai đoạn lịch sử dân tộc, nhưng tựu chung lại những kết quả đáng trân trọng đó, là sự phản ánh nhạy bén, kịp thời, trung thực và sâu sắc hiện thực diễn ra trong đời sống dân tộc.

Trong đại dịch Covid – 19 nguy hiểm và đang gây hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội, cả trong nước và quốc tế trong phòng, chống dịch, lan toả năng lượng tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên có được “trạng thái bình thường mới”.

Cũng tại buổi lễ, NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã ôn lại hành trình 100 năm hình thành và phát triển của kịch nói Việt Nam. Trong đó là 3 thế vàng của kịch nói Việt Nam được đào tạo nghề từ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ Đức.
 NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và dấu ấn đã đạt được NSND Thuý Mùi cũng chia sẻ, trong 100 năm tồn tại, kịch Việt đã sa vào khủng hoảng người xem. Đến năm thứ 100 với nạn đại dịch Covid – 19 toàn cầu đã dẫn sân khấu kịch đến tình trạng “Mất trắng khán giả”. Việc vực lại sức sống của thể loại kịch sau 100 năm đang là thách thức của sân khấu Việt Nam hiện đại… “Chúng tôi tin rằng sân khấu kịch nói Việt Nam sẽ được vực dậy sau đại dịch Covid – 19 và tiếp tục là người đối thoại thân thiết và đáng tin cậy của công chúng Việt Nam thế kỷ XXI” NSND Thuý Mùi tin tưởng.

Nằm trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam, từ ngày 21 đến 27/10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật sôi động.
 Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Sân khấu kịch nói Việt Nam diễn ra từ ngày 21 - 27/10.

Theo đó, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ công diễn vở “Chén thuốc độc” (tác giả: Vũ Đình Long, đạo diễn: Bùi Như Lai); Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Người tốt nhà số 5” (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn); Nhà hát Tuổi trẻ vở “Ai là thủ phạm” (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung); Sân khấu Lucteam vở “Bạch đàn liễu” (tác giả: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực); Nhà hát kịch Hà Nội vở “Phải có ba đồng” (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng).

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển”; Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần