Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn 50 năm quan hệ Việt Nam - Pháp

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (4/1973 - 4/2023) và tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực

Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những số liệu khả quan. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó có Pháp. Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp có tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011 - 2019. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU, chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Hiện có hơn 300 DN Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, trong khi đó nhiều DN Việt Nam đang tiên phong triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp. Thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng trưởng, đạt gần 7 tỷ euro (7,45 tỷ USD) vào năm 2021 và ước tính lên tới 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022.

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Việt Nam cũng là một trong số ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Về đầu tư, các nhà đầu tư Pháp tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện; các lĩnh vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản... Đặc biệt, dự án Metro số 3 là dự án nhận được sự tài trợ lớn từ phía Pháp, góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình giao thông của TP Hà Nội, cũng như giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đầu tư sang Pháp 18 dự án với tổng số vốn hơn 38 triệu USD.

Tuy nhiên, kết quả này được cho là chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng nhu cầu của DN hai bên, do đó thời gian tới Việt Nam và Pháp kỳ vọng vào sự hợp tác và tham gia của các nhà đầu tư Pháp, nhất là trong các dự án tương lai. Ngoài ra, hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú và đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hai bên. Mỗi năm Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Pháp. Trong vòng 10 năm qua, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40%. Pháp là nơi có số lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với trên 7.000 sinh viên.

May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN
May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, điển hình là việc hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Viện Trao đổi văn hóa Pháp tại TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Đây là nơi tổ chức và diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Về hợp tác y tế, hai nước hiện có 30 dự án hợp tác đào tạo y học và cận y học như đào tạo bác sĩ nội trú tại các bệnh viện Pháp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang cho các địa phương của Pháp, Pháp hỗ trợ 5,5 triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam..

Hợp tác địa phương, điểm sáng trong quan hệ Việt - Pháp

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa TP Hà Nội và vùng Ile-de-France. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 tại TP Lille (Pháp).

Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, TP Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này với 240 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của địa phương Việt Nam và thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn - bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này không ngừng được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước và được đánh giá là một trong những hợp tác quốc tế cấp địa phương phát triển nhất của cả hai nước, xét về số lượng đối tác tham gia hợp tác, cũng như về mức độ cam kết tài chính và quy mô hợp tác.

Dấu ấn 50 năm quan hệ Việt Nam - Pháp - Ảnh 1

Việt Nam và Pháp xác định hợp tác giữa các địa phương là một trụ cột góp phần tăng cường mối quan hệ và tình đoàn kết giữa hai nước và Nhân dân hai nước. Tính đến năm 2022, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp về hợp tác phi tập trung luân phiên. Đặc biệt, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 sẽ được tổ chức vào tháng 4/2023 tại Hà Nội, được coi là sẽ góp phần mở ra giai đoạn quan trọng cho việc ký kết các quan hệ đối tác mới.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-15/4/2023 có chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực phục hồi và phát triển bền vững toàn diện sau đại dịch Covid-19”.

Hội nghị sẽ là dịp để các địa phương, các đối tác hợp tác của hai nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, định hướng hợp tác trong trong bối cảnh mới, đặc biệt xoay quanh 4 phiên hội thảo chuyên đề về (1) Cơ hội và thách thức về môi trường, Nước và Xử lý nước (2) Thành phố thông minh và số hóa (3) Văn hóa, Di sản và Du lịch, (4) Đô thị bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu giữa các địa phương, đối tác của hai nước như: Không gian quảng bá các địa phương với quy mô 100 - 120 gian hàng quảng bá, giới thiệu về văn hóa, địa điểm du lịch, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các địa phương Việt Nam; Lễ hội “Balade en France” với quy mô 50 gian hàng của các doanh nghiệp Pháp - Việt hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thực phẩm, được tổ chức dưới hình thức hội chợ nhằm giới thiệu đến công chúng về ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm Pháp và nghệ thuật văn hóa ẩm thực Phá); Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Pháp...

Thành phố Hà Nội xác định Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của Thủ đô Hà Nội, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023, qua đó, góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hóa, tiềm năng và những thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam; quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đối ngoại và hội nhập quốc tế với bạn bè Pháp và quốc tế. Dự kiến có khoảng trên 800 người gồm 500 đại biểu Việt Nam và trên 300 đại biểu Pháp.