Dấu ấn của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn 20 năm trước, thương hiệu Daewoo đã để lại dấu ấn đẹp tại Thủ đô Hà Nội với công trình khách sạn Daewoo - một biểu tượng của sự hiện đại, tiện nghi, mở đầu cho hướng phát triển ấy ở Việt Nam.

Giờ đây, Khu đô thị Tây Hồ Tây đang được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng cho phong cách sống mới của Hà Nội trong những thập kỷ tới.
 
Dấu ấn tích cực

Daewoo là một trong những thương hiệu lớn của thế giới và Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam từ khá sớm, không lâu sau khi Việt Nam mở cửa hội nhập. Công trình khách sạn Daewoo tại Hà Nội chính là công trình của nhà đầu tư nước ngoài có tầm vóc lớn đầu tiên tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đó được xem là dấu ấn tích cực mang tính "khai mở" của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hà Nội. Và cho đến nay, Daewoo vẫn là một trong những tên tuổi lớn của  thế giới cũng như Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện có hơn 3.000 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt  Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 23,65 tỷ USD cùng vị trí dẫn đầu trong số nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam. Đó chính là minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư Hàn Quốc, cũng như sự tin tưởng của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường Việt Nam.

Trong đó, các ngành hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc là công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản; xây dựng; vận tải, kho bãi. Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, nằm trong top đầu những địa bàn kinh tế được nhà đầu tư Hàn Quốc lựa chọn, với số lượng dự án và vốn đầu tư lớn, bên cạnh những địa phương có đời sống kinh tế sôi động, như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM, Đồng Nai.

Không dừng lại ở con số những dự án hay lượng vốn lớn, sự gắn bó của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam còn thể hiện ở sự nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động cũng như bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Tháng 10/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam hợp tác với Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức lễ trao Giải thưởng Trách nhiệm xã hội dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.

Nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã được ghi nhận, như lãnh đạo Công ty Auntex, Nano Tech; các công ty: Chang Shin Việt Nam; Doosan Vina; Posco E&C; Hansoll Vina; Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (có vốn Hàn Quốc).

Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại Hà Nội khẳng định, giải thưởng này thực sự là một khích lệ rất lớn cho tất cả các nhà đầu tư Hàn Quốc khi được ghi nhận và tôn vinh các nỗ lực của họ để phát triển xã hội Việt Nam, tạo động lực để nhà đầu tư Hàn Quốc đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong tương lai.

Trên thực tế, ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều khó khăn, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam. Thậm chí, ngay trong lĩnh vực bất động sản đang khá trầm lắng, nhiều dự án chậm tiến độ, ngừng triển khai, một số nhà đầu tư Hàn Quốc có tiềm lực và quyết tâm vẫn đang lặng lẽ đi "ngược dòng" thị trường, rốt ráo triển khai tiến độ dự án.

Thêm một dự án kiểu mẫu

Ông Lee Kwon Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển T.H.T - đơn vị thực hiện dự án trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây cho biết, công tác GPMB giai đoạn I của dự án đang tiến triển tốt. Công ty đang tích cực chuẩn bị hồ sơ và nguồn lực tài chính cho việc chi trả các đợt tiếp theo, tiến tới hoàn thành GPMB giai đoạn I, chuẩn bị cho lễ động thổ dự án trong thời gian sớm nhất.

Tính từ khi  được cấp phép đầu tư (tháng 1/2006), đến nay đã trải qua gần 6 năm, Dự án vẫn chưa thể chính thức khởi công, do đó cũng đã có những băn khoăn. Song, theo các chuyên gia am hiểu thị trường bất động sản, đây chính là thời điểm "sàng lọc" các nhà đầu tư có năng lực, và Công ty T.H.T đã thể hiện sự khác biệt so với các chủ đầu tư khác.

Sự khác biệt là ở chỗ, thay vì cấp tập làm những phần riêng rẽ để có thể sớm tung hàng ra thị trường, nhằm nhanh chóng thu hồi vốn, chủ đầu tư Dự án Tây Hồ Tây vẫn triển khai GPMB từng bước, nhằm có mặt bằng sạch để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hơn nữa, việc kiên trì theo đuổi để đạt từng bước tiến của dự án cũng cho thấy tiềm lực tài chính và quyết tâm thực sự của chủ đầu tư.

Ông Lee Kwon Sang tin tưởng, với sự ủng hộ của TP Hà Nội và Chính phủ Việt Nam, Hàn Quốc, Dự án khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây với quy mô lớn, nhằm kiến tạo cả một khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu, theo phong cách Hàn Quốc, mỗi thiết kế đều tính tới bối cảnh phát triển đô thị của Hà Nội trong 10 năm, 20 năm tiếp theo sẽ không chỉ là công trình biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Hàn, mà còn là công trình mang dấu ấn "khai mở" thứ hai của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hà Nội - sự khai mở về phong cách sống mới mang dấu ấn Daewoo ở Hà Nội và Việt Nam.

 
Sự xuất hiện và thành công của Daewoo tại Hà Nội hơn 20 năm trước còn có ý nghĩa khơi thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, để từ đó, hàng loạt thương hiệu lớn của thế giới và Hàn Quốc chọn Việt Nam làm bến đỗ cho hành trình đầu tư của mình. Đến nay, cùng với Daewoo, nhiều tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc cũng đang có mặt đầu tư tại Việt Nam, như Hyundai, LG, SAMSUNG, SK hay POSCO, Doosan.