Dấu ấn đậm nét trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình 06-CTr/TU

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06-CTr/TU) được ban hành, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức từ tác động, ảnh hưởng lớn của dịch Covid -19, song toàn TP với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể hoá chương trình bằng hoạt động cụ thể

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân, TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, mọi hoạt động tập trung đông người đều phải thực hiện triệt để, cấp bách, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh. Với tinh thần chủ động sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, các Sở, ngành đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án và tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 06-Tr/TU gồm: “Phát triển văn hóa”; “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
 Lễ hội đường phố diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Minh An.

Đối với nhiệm vụ “Phát triển văn hoá”, các Sở, ngành đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, nổi bật như việc xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện nhóm chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; hướng dẫn địa phương đăng ký xây dựng các danh hiệu văn hóa, thực nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thực hiện quy ước, hương ước. Đơn cử tại huyện Đông Anh, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám: “Thời gian qua, để phòng, chống dịch Covid-19, huyện Đông Anh đã vận động dừng tổ chức hoãn, hủy được 50 đám cưới; thu gọn tổ chức quy mô nội bộ gia đình 41 đám cưới. Trên địa bàn huyện có 4 đám tang, được tổ chức hỏa táng trong ngày, đảm bảo công tác phòng chống dịch”.

Đồng thời, các Sở, ngành đã Tiếp tục nghiên cứu những biến đổi của lễ hội trong đời sống đương đại. Thẩm định, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hoá phi vật thể lần thứ 3 với 71 nghệ nhân (11 NNND, 60 NNƯT).

Phối hợp tổ chức các hoạt động sau khi TP Hà Nội tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo của UNESCO”: Tổ chức thi ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sự kiện “Áo dài của chúng ta”; xây dựng phim, cung cấp các hình ảnh và biên tập giới thiệu về “Hà Nội - Thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Cơ bản hoàn thành 20 dự án thi đấu thể dục thể thao phục vụ đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế, đặc biệt là SEA Games 31 và ASEAN Para Games; rà soát, điều chỉnh kế hoạch tập huấn, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, các Sở, ngành đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học; Tổ chức triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm Hanoi Study nhằm giúp các em học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học”, thu hút gần 100% học sinh tham gia, góp phần tiếp tục duy trì nề nếp, chất lượng giáo dục; Kịp thời hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập, đặc biệt là học sinh đang học lớp 9 và lớp 12; phát động chương trình “Sóng và Máy tính cho em” đã huy động được hơn 4.500 máy tính, điện thoại thông minh.
 Đoàn xe tuyên truyền lưu động về Quy tắc ứng xử. Ảnh: Minh An.

Đối với nhiệm vụ “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả, sức lan toả của các quy tắc ứng xử (QTƯX). Xây dựng kế hoạch triển khai các QTƯX trên địa bàn TP; tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tuyên truyền QTƯX của cán bộ, CCVC&NLĐ trên địa bàn TP Hà Nội” cho các đối tượng là cán bộ, CCVC&NLĐ tại 30 quận, huyện, thị xã và cơ sở; Tổ chức các đoàn xe tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bên cạnh đó, một trong những hoạt động nổi bật là việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử địa phương gắn với giáo dục nếp sống văn hoá trong các nhà trường: Biên soạn, trình duyệt tài liệu “Giáo dục địa phương” lớp 1, 2, 6; tập trung hoàn thành việc biên soạn tài liệu lớp 3, 7, 10 vào cuối năm 2021. Tiếp tục đề án “Xây dựng văn hóa trong trường học” giai đoạn 2020 - 2025.

Phát huy hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các đề án, kế hoạch trong Chương trình còn chậm so với tiến độ đề ra. Tác động ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 dẫn đến hầu hết các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao phải dừng hoạt động; các di tích đóng cửa; ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Việc lựa chọn nội dung điển hình của địa phương tiến hành xây dựng mô hình điểm gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình văn hóa tại địa phương còn hạn chế; việc rà soát nhu cầu xây dựng các quảng trường, các sân vận động, thiết chế văn hóa của các quận, huyện, thị xã còn chậm. Việc tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình còn hạn chế do dịch bệnh.
  Đoàn Sở VH&TT Hà Nội kiểm tra đánh giá cuộc thi ''Giữ gìn ngõ phố xanh - sạch - đẹp'' năm 2019 tại ngõ 36 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Minh An.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Chương trình trước hết phải nhận được sự ủng hộ của Nhân dân, huy động sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách để bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình của từng thời điểm. Đồng thời, quan tâm bố trí, ưu tiền nguồn ngân sách cho thực hiện Chương trình.

Trên cơ sở đó, trong năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của TP, các Sở, ngành là thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Chương trình 06-CTr/TU gắn với phòng, chống Covid-19. Đồng thời, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi Nghị quyết được Thành ủy ban hành; Xây dựng phương án tổ chức đón học sinh quay lại học tại trường đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phòng, chống Covid -19 trong trạng thái bình thường mới; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình và kế hoạch của UBND TP tại các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.