Quả là "cái gạch nối" của năm 2014 này đọng lại nhiều dấu ấn của "Hà Nội phố" với giải thưởng văn xuôi cho một "tay ngang" của văn chương, giải "Thành tựu trọn đời" đầu tiên cho một cố nhà văn và 2 giải Trẻ cho 2 cây bút trẻ…
Từ cầm cọ chuyển sang cầm bút
Ấy là Đỗ Phấn với giải Văn xuôi dành cho tác phẩm "Dằng dặc triền sông mưa" - người mà công chúng biết đến nhiều với tư cách một họa sĩ, song lại có trong tay tới 13 cuốn sách, đủ cả tiểu thuyết, truyện dài lẫn tản văn… Giải thưởng vừa được nhận trong ngày Hà Nội tròn 60 năm Giải phóng này tiếp tục là minh chứng cho lời ông nói: "Cả đời Đỗ Phấn chỉ viết về Hà Nội!". Người ta thấy hình ảnh của Đỗ Phấn ẩn mình sau những nhân vật trong các tác phẩm mà ông viết với miên man cảm xúc và suy tư, vừa da diết vừa khắc khoải.
Nhà văn Đỗ Phấn.
|
Nói về thứ văn chương của nhà văn "tay ngang" này, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên cho rằng, đọc tác phẩm của Đỗ Phấn, vẫn như nhìn thấy một họa sĩ cầm cọ: "Những trang viết của Đỗ Phấn vẽ nên một Hà Nội chênh vênh giữa những nét thanh lịch của quá khứ và vẻ xù xì của đô thị đang chuyển mình liên tục. Ở đó tác giả trằn trọc với ước vọng làm sống dậy những giá trị truyền thống". Chính Đỗ Phấn cũng thừa nhận: "Văn minh công cộng là thứ Hà Nội đã có và cũng đã đánh mất. Tôi viết văn là muốn góp phần tìm lại những điều đó". Và ông đã viết bằng hồi ức, trải nghiệm, bằng sự chiêm nghiệm, nỗi day dứt của người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và bằng cả con mắt của một họa sĩ nhìn về đô thị lô xô mái ngói lẫn trong những tòa nhà chót vót. Ấy cũng chính là những mảnh ghép góp phần làm nên chân dung phố và người Hà Nội.
Đỗ Phấn nói rằng, những thay đổi của Hà Nội hôm nay là tất yếu của một đô thị hiện đại để hội nhập, bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới. Văn chương và hội họa là những cách để giữ lại những hình ảnh rêu phong phố cũ, người xưa. Ông sẽ tiếp tục viết để tìm thấy những con người Hà Nội hôm nay trong sự giằng co giữa ý thức gìn giữ truyền thống và sự thôi thúc đổi mới.
Hà Nội hôm nay
Hai giải Trẻ dành cho hai cây bút trẻ Đoàn Ánh Dương và Nham Hoa được xem là "Hà Nội hôm nay" của giải thưởng năm 2014. Ở đó, Đoàn Ánh Dương trình làng tập tiểu luận phê bình đầu tay "Không gian văn học đương đại" tập hợp 15 bài viết trong vòng 5 năm qua. Như đánh giá của Hội đồng xét giải, đây chính là gương mặt đại diện của một thế hệ phê bình văn chương mới: "Một thế hệ có lý thuyết mới và biết sử dụng lý thuyết mới; biết độc lập và đối thoại với thế hệ trước; biết việc mình làm và biết làm việc của mình một cách chuyên môn". Tuy có những vấn đề còn cần tiếp tục trao đổi, có những cách dùng từ, thuật ngữ hơi rườm rà, nhưng những bài viết của Dương về tác giả và tác phẩm nổi bật, gây dư luận (kể cả trái chiều), trong văn học thời gian qua dưới một cách nhìn mới đã tạo được hứng khởi cho văn chương nói chung, phê bình nói riêng.
Còn Nham Hoa với bản dịch tiểu thuyết "Những đứa con của nửa đêm" đã khẳng định được sức trẻ trước những tác phẩm khó. Đây là một công trình dịch thuật có chất lượng nghệ thuật cao với một lượng từ vựng khổng lồ và vô vàn tham chiếu đến lịch sử cũng như thần thoại của một đất nước thịnh vượng bậc nhất về văn hóa (Ấn Độ). Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: "Những đứa con của nửa đêm làm choáng ngợp ngay cả những người đọc dạn dày. Anh có thể nói là một đại diện tiêu biểu của một thế hệ dịch giả mới giỏi ngoại ngữ, giàu tiếng Việt, biết lựa chọn sách dịch cần cho văn học nước nhà và biết cách dịch để có bản dịch hay".
Rất nhiều dấu ấn "Hà Nội phố" đã đọng lại trong Giải thưởng Văn học Hà Nội 2014, dù đây là "cái hẹn" thường niên của giới văn chương. Đúng là một Hà Nội hôm qua đã hiện diện đầy hoài niệm trong 3 giải thưởng chính thức dành cho 3 tên tuổi đã ở tuổi "ông", một Hà Nội hôm nay đã hiện diện mạnh mẽ trong 2 giải Trẻ. Và nhà văn Trương Tửu - giải "Thành tựu trọn đời" chính là cái gạch nối giữa hôm qua và hôm nay, khẳng định đường hướng mà thế hệ cầm bút hiện tại cần có: Từ nghiên cứu văn học, mở sang nghiên cứu văn hóa.