Dấu ấn học lịch sử thông qua di sản

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm triển khai, chương trình giáo dục di sản (GDDS) tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đã thu hút hàng vạn học sinh tham gia.

Qua đó, học sinh có không gian để chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm góp phần giảm bớt những giờ học lý thuyết khô khan.
Đó là đánh giá được đưa ra vào sáng 28/8, trong Hội nghị sơ kết chương trình GDDS tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Không quay lưng với lịch sử
Qua một năm triển khai, chương trình GDDS đã có 19.086 học sinh tham gia tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do ở cả hai di tích là 100.000 em. Hai chương trình GDDS nổi bật là “Em làm khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản” là hai hướng tiếp cận mới trong công tác GDDS, tránh được lối mòn cũ bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú.
 Học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Khu di tích Cổ Loa. Ảnh: Lại Tấn
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang: “Để đáp ứng nhu cầu của học sinh tham gia chương trình GDDS, tìm hiểu lịch sử, trung tâm đã xây dựng nội dung chuyên đề học tập như: Bộ tài liệu, bảng hỏi, phiếu hoạt động cụ thể, kèm hình ảnh sinh động. Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm tái hiện nét văn hóa truyền thống của cha ông như Tết Việt, Tết Đoan Ngọ, Vui Tết Trung thu... để phục vụ Chương trình GDDS”.
Bên cạnh đó, các trường học đã phối hợp với trung tâm tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa đối với học sinh. Theo Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ Hoàng Thanh Thủy: Nhà trường đã phối hợp với trung tâm tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh về chủ đề “Thủ đô em yêu”, “Các di sản của Hà Nội”.
Chủ đề trong các tiết mỹ thuật cũng gần gũi với việc tìm hiểu di sản như trang trí hoa văn thời Lý, Trần, tranh dân gian. Tổ chức tọa đàm lịch sử, giao lưu với nhà sử học Lê Văn Lan nhân kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, 47 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”".
Đánh giá về hiệu quả chương trình sau một năm triển khai, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Lâu nay chúng ta rất băn khoăn, trăn trở với câu hỏi có phải các cháu đang quay lưng lại với lịch sử hay không? Tôi tin rằng với nỗ lực của ngành giáo dục, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong việc xây dựng chương trình GDDS đã góp phần quan trọng trong truyền bá tri thức, giảng dạy lịch sử với các em học sinh.
Tuy nhiên, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn nữa, bên cạnh việc xây dựng chương trình cho các trường học cần xây dựng chương trình riêng cho các em nhỏ đến Hoàng thành Thăng Long cùng với gia đình”.
Gắn di sản với giáo dục
Bên cạnh những thành quả đạt được sau một năm triển khai, theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội việc triển khai chương trình GDDS vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: “Hạ tầng trong khu di sản chưa đáp ứng khi số lượng học sinh đến đông, cùng thời điểm (trên 3.000 học sinh) dẫn đến quá tải một số khu vực đón tiếp, bãi giữ xe, nhà vệ sinh. Số lượng học sinh tham quan tự do, không tham gia chương trình GDDS còn đông.
Nguyên nhân một phần do các nhà trường chưa tiếp cận được chương trình cụ thể, một phần do không có kinh phí tham gia, hoặc tham quan nhiều điểm một buổi nên không đáp ứng được thời gian” - ông Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng chương trình GDDS, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: “Trong thời gian tới, trung tâm và Sở GD&ĐT sẽ phối hợp đẩy mạnh thực hiện chương trình ở những nội dung như: Bổ sung chương trình lễ dâng hương, lễ báo công và lễ kết nạp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh tại Điện Kính Thiên với chủ đề “Rồng lại bay trên đất nghìn năm văn hiến”; tổ chức chuyên đề tìm hiểu lịch sử với chủ đề “Điện Kính Thiên trong lịch sử”, chuyên đề giáo dục môi trường; triển khai một số hoạt động ứng dụng công nghệ phục vụ chương trình Giáo dục di sản như Game giáo dục di sản, tương tác “Chiếc bàn khảo cổ kỳ thú”.
Bên cạnh đó, trung tâm sẽ nâng cấp và duy trì sân chơi tại khu vực Hậu Lâu; tăng cường khả năng đón tiếp, bổ sung đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đồ dùng, dụng cụ phục vụ học sinh tham gia chương trình ở cả hai khu di tích.