Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn không thể quên từ hậu phương lớn

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Lật giở những thông tin, tư liệu, triển lãm, trưng bày về kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có thể thấy, Hà Nội đóng vai trò quan trọng khi cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Trong thông tin lưu trữ về triển lãm “Hà Nội - Niềm tin khát vọng vươn cao” nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17/3/1930 – 17/3/2020) có dữ liệu: “Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội là nơi khởi nguồn các phong trào cách mạng trong các tầng lớp Nhân dân như phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên; “Ba đảm đang” của phụ nữ; “Chiếc gậy Trường Sơn”; “Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ…

Công nhân trong Nhà máy Dệt 8/3 tại Hà Nội năm 1967. Ảnh: Tư liệu
Công nhân trong Nhà máy Dệt 8/3 tại Hà Nội năm 1967. Ảnh: Tư liệu

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, đêm ngày 7/8/1964, tại phòng họp trụ sở cơ quan Thành đoàn Hà Nội, số 43 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường và thống nhất phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung: sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Từ mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, phong trào “Ba sẵn sàng” lan nhanh và trở thành phong trào cách mạng của tuổi trẻ”.

Theo sử liệu, “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc cùng với “Năm xung phong” ở miền Nam hoà thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam đánh Mỹ, cổ vũ mọi tầng lớp thanh niên đoàn kết và chiến đấu dưới khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Những thanh niên tuổi còn đôi mươi, không một chút tính toán cho bản thân, chỉ có một mong muốn là được tổ chức và quân đội phân công. Cuộc chiến đấu càng quyết liệt, tinh thần và khí thế “Ba sẵn sàng” càng được thể hiện sinh động.

Hàng vạn thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam. Cụ thể, trong 10 năm từ 1965 - 1975, với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội đã có hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; đã tổ chức huấn luyện đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhiều nhà máy, xí nghiệp cử cán bộ, gửi máy móc, phương tiện kỹ thuật, trang bị đưa vào chiến trường.

Trước nhiệm vụ cứu nước khẩn trương, trước yêu cầu bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng miền Nam, đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ, thể theo nguyện vọng của hàng triệu phụ nữ, T.Ư Hội LHPN Việt Nam đã chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ toàn miền Bắc. Từ ngọn lửa, phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” đã trở thành một cao trào thi đua rộng lớn ở khắp các địa phương miền Bắc.

Sau một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý cho Hội LHPN đổi tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang”. Đây là giai đoạn Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo chuyển hướng xây dựng kinh tế địa phương ngay trong hoàn cảnh có chiến tranh, vẫn tiếp tục sản xuất, sản xuất đi đôi với bảo vệ sản xuất; đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá; chuẩn bị phương án chiến đấu tốt, đồng thời ra sức thực hiện chi viện cho miền Nam.

Chia lửa với miền Nam

Trong cuộc triển lãm “Tự hào 90 năm Đảng bộ TP Hà Nội” diễn ra tại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò tổ chức, tháng 4/2020; nhiều hình ảnh tái hiện những ngày tháng kiên cường trong bom đạn của Thủ đô.

Trong đó nổi bật là phần thông tin quân và dân Thủ đô vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, góp sức cùng Nhân dân cả nước lập nên chiến công vang dội – “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Đây là một trong những yếu tố quyết định góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang, chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng…

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tổng tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã gấp rút hoàn chỉnh phương án tác chiến, bố trí lực lượng đánh địch.

Cùng với cả nước, Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ, quân và dân Thủ đô đã phát huy cao độ truyền thống toàn dân, toàn quân đánh giặc. Quân dân Thủ đô Hà Nội với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

49 năm đã trôi qua, Hà Nội vẫn luôn nỗ lực phát triển không ngừng, để mỗi khi khúc ca giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được ngân vang, bài học về phát huy sức mạnh hậu phương được nhắc lại, “trái tim của cả nước” lại thêm những nhịp đập mạnh mẽ, sẵn sàng cùng cả nước, vì cả nước.