Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 2/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 75,74 USD/thùng, tăng 0,71 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 1/10, giá dầu WTI giao tháng 11/2021 đã tăng 0,36 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 79,12 USD/thùng, tăng 0,81 USD/thùng trong phiên và đã tăng 0,29 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 1/10.
Giới phân tích nhận định, tình trạng giá khí đốt tăng cao đang thúc đẩy các nhà sản xuất điện ở châu Âu, Trung Quốc chuyển hướng sang sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu hoặc diezel để thay thế khiến giá dầu ngày 2/10 duy trì đà tăng.
Các chuyên gia ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định, xu hướng này còn kéo dài và sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu tăng mạnh trong những tháng tới.
Trước tình trạng thiếu hụt năng lượng tại một số khu vực, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu của nước này, từ than đá đến điện và dầu, phải đảm bảo nguồn cung cho mùa Đông tới bằng mọi giá.
Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi khả năng OPEC+ sẽ vẫn giữ mức tăng sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, từ nay đến hết năm 2021 như hiện nay, bất chấp các nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng mạnh.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng bắt đầu nổi lên ở châu Âu hồi đầu tháng 9, khi lượng khí đốt dự trữ trong khu vực xuống thấp nhưng nguồn cung khí đốt cung cấp từ một số quốc gia, đặc biệt từ Nga, Na Uy bị hạn chế. Tờ Bloomberg đưa tin ngày 27/9, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gần 500% trong năm qua.
Hiện, các công ty điện lực ở châu Âu buộc phải chuyển qua sử dụng than để sản xuất điện, đẩy giá than tăng nhanh và kéo theo giá điện tăng lên mức kỷ lục ở nhiều nước. Người dân ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Ba Lan hiện đang phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao nhất mọi thời đại, làm tăng thêm những khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.
Mới đây, Hiệp hội các nhà tiêu thụ năng lượng công nghiệp Mỹ (IECA), tổ chức đại diện cho các công ty sản xuất hóa chất, thực phẩm và nguyên vật liệu ở Mỹ đã gửi thư cho Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm, hối thúc bộ này hành động ngay lập tức để hạn chế xuất khẩu LNG, giúp Mỹ có thể tích trữ đủ lượng khí đốt cần thiết trước khi mùa Đông tới, tránh nguy cơ giá tăng vọt. Động thái này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu ngày 2/10 tăng mạnh.