Đầu giờ sáng 20/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 71,57 USD/thùng, giảm 0,25 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 75,02 USD/thùng, giảm 0,32 USD/thùng trong phiên.
Đánh giá của giới phân tích, giá dầu ngày 20/9 giảm trong bối cảnh thị trường ghi nhận tiêu thụ dầu thô giảm trong 3 tháng, 7, 8 và 9/2021.
Báo cáo mới nhất vừa được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra, diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 bởi sự xuất hiện của biến chủng Delta tại một số quốc gia châu Á đã tạo sức ép lớn lên nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tính chung 3 tháng (kể cả tháng 9/2021), nhu cầu dầu mỏ đã giảm trung bình 310.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, IEA cũng đưa dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi mạnh với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10, và giữ đà tăng đến hết năm 20201. Tính chung cả năm, nhu cầu có thể tăng 5,2 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với dự báo trước đó, nhưng tăng trưởng trong năm 2022 lại được điều chỉnh lên 3,2 triệu thùng/ngày.
Ngược lại, nguồn cung dầu trên thị trường lại khá dồi dào và điều này đã tạo áp lực khiến giá dầu hôm nay tiếp tục đi xuống.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar ngày 19/9 cho biết, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 9 dự kiến là 3,4 triệu thùng/ngày, và việc ít phải huy động dầu thô để tổng hợp điện sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thời gian tới.
Cũng theo ông Jabbar, OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì thoả thuận về sản lượng trong tháng 10 nhờ vào đà phục hồi, tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, và đang nỗ lực để duy trì giá dầu ở mức 70 USD/thùng trong quý I/2022.
Hoạt động khai thác dầu khí tại Vịnh Mexico cũng đang được khôi phục, dự kiến sẽ sớm lấy lại mức sản lượng trong tháng 9/2021 sau khi chịu tác động bởi 2 cơn bão liên tiếp.