Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 13/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 101,08 USD/thùng, tăng 0,93 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 105,58 USD/thùng, tăng 0,94 USD/thùng trong phiên.
Nhận định của giới phân tích, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi sau thông tin Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch Covid-19 ở Thượng Hải, đẩy giá dầu ngày 13/4 tăng mạnh.
Về phía cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo lấy lại đà phục hồi thì nguồn cung dầu vẫn không có dấu hiệu được cải thiện, thậm chí bị thắt chặt hơn.
Rất có thể Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các đề xuất về lệnh cấm dầu mỏ nga. Nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới đầu tư OANDA Edward Moya cho biết, nếu lệnh trừng phạt này được thực thi sẽ tạo ra cú sốc lớn đối với thị trường dầu thô.
Giá dầu hôm nay cũng được hỗ trợ mạnh bởi cảnh báo khó có thể tìm cách thay thế sự thiếu hụt này, đồng thời cũng ám chỉ việc không tăng sản lượng.
Theo Tổng thư ký OPEC Mohamed Barkindo, thị trường có khả năng mất khoảng hơn 7 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga do các lệnh trừng phạt hiện nay và sắp tới. Xem xét triển vọng nhu cầu hiện tại, khó có thể thay thế một sản lượng dầu lớn như vậy.
Giá dầu thô được thúc đẩy còn do giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tiếp tục tăng mạnh.
Ngược lại, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn sau thông tin lạm phát Mỹ trong tháng 3/2022 tăng lên mức 8,5%, mức cao nhất 40 năm.