Dầu Brent tăng 2,45 USD/thùng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi thị trường lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá dầu ngày 12/1 có xu hướng tăng mạnh, dầu Brent tăng 2,45 USD/thùng so với cùng thời điểm.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 12/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 81,25 USD/thùng, tăng 0,03 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 11/1, giá dầu WTI giao tháng 2/2022 đã tăng tới 2,64 USD/thùng.

Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 83,61 USD/thùng, giảm 0,11 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,45 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/1.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định của các chuyên gia, khi thị trường lại dấy lên những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá dầu ngày 12/1 có xu hướng tăng mạnh.

Sau 2 phiên giảm giá liên tiếp do lo ngại số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt, giá dầu đã lấy lại đà tăng trong phiên 11/1 khi những lo ngại này dần hạ nhiệt bởi các đánh giá mới nhất về Omicron cho thấy biến thể này có thể là hồi kết của đại dịch.

Ngoài ra, năng lực sản xuất hạn chế của một số nước thành viên OPEC+ khiến mục tiêu tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12/2021, và có thể cả những tháng đầu năm 2022 cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do giới đầu tư lo ngại tình trạng bất ổn ở Kazakhstan có thể đặt thị trường năng lượng thế giới trước những rủi ro lớn.

Kazakhstan hiện sản xuất hơn 40% urani trên thế giới, nguyên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân. Chính vì vậy, nếu có bất kỳ một sự gián đoạn nào về nguồn cung urani sẽ đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Là nước thành viên của OPEC+, Kazakhstan hiện đang khai thác khoảng 1,6 triệu thùng dầu/ngày. Bởi vậy, nếu tình trạng bất ổn ở quốc gia Trung Á này không sớm được giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ lớn hơn.

Bên cạnh đó, Kazakhstan còn được biết đến là nước xuất khẩu than đá hàng đầu. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2018, Kazakhstan là nước xuất khẩu than và dầu thô lớn thứ 9 thế giới và đứng thứ 12 về khí đốt tự nhiên.

Với những dữ liệu trên, giới đầu tư lo ngại nếu tình trạng bất ổn ở Kazakhstan kéo dài, thị trường năng lượng toàn cầu có thể phải đối diện với sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, trong đó có dầu thô.