Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 12/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 93,90 USD/thùng, tăng 0,05 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 11/2, giá dầu WTI giao tháng 3/2022 đã tăng tới 3,97 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 94,99 USD/thùng, tăng 3,58 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 3,63 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/2.
Nhận định của chuyên gia, lo ngại gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Nga – Ukraine sẽ kéo theo lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh đối với hoạt động năng lượng của Nga, trong đó có dầu thô khiến giá dầu ngày 12/2 tăng vọt.
Khả năng về một hành động quân sự giữa Nga và Ukraine bất ngờ nóng lên khi lần lượt Mỹ và Anh phát đi cảnh báo, cũng như kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine càng sớm càng tốt.
Tại Báo cáo thị trường dầu hàng tháng (MOMR) của OPEC hôm 10/2 cho thấy, 13 nước thành viên của nhóm tiếp tục khai thác dưới hạn ngạch theo kế hoạch.
Theo đó, trong tháng 1/2022, 13 thành viên của OPEC, bao gồm 3 nhà sản xuất được miễn trừ khỏi hạn ngạch OPEC+ là Iran, Libya và Nigeria đã bơm 27,981 triệu thùng/ngày, tăng 64.000 thùng/ngày so với tháng 12/2021. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng mà OPEC+ đã thống nhất thực hiện trước đó.
Trong khi nguồn cung dầu thô trên thị trường vẫn bị thắt chặt, thậm chí có nguy cơ bị thắt chặt hơn nữa thì triển vọng tiêu thụ dầu thô lại tiếp tục được cải thiện. Mới nhất, ngày 11/2, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thô trong năm 2022 lên mức 100,6 triệu thùng/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo tiếp tục gia tăng mạnh mẽ thời gian tới khi các nước đang dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế có liên quan đến dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed sớm thực hiện tăng lãi suất, và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mức 2%.