Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 27/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 87,21 USD/thùng, giảm 0,14 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 26/1, giá dầu WTI giao tháng 3/2022 đã tăng tới 1,97 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 89,73 USD/thùng, giảm 0,23 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 1,68 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 26/1.
Nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường dầu thô được đánh giá lạc quan về dữ liệu kinh tế Mỹ, giá dầu ngày 27/1 có xu hướng tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách ngày 26/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh đến tình hình lạm phát của nước này đang có dấu hiệu xấu đi, bất chấp việc lạm phát đã lên mức cao nhất 40 năm. Đồng thời cho rằng, dư địa để tăng lãi suất mà không làm ảnh hưởng đến thị trường lao động là rất lớn.
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng bất lợi nhất bởi đại dịch Covid-19 đã được cải thiện trong những tháng gần đây song lại đang phải đối mặt với các đợt dịch mới. Trong khi đó, việc làm đã tăng ổn định trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể.
Fed cũng đặc biệt lưu ý triển vọng kinh tế Mỹ vẫn đang phụ thuộc lớn vào diễn biến của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những tiến bộ về tiêm chủng và sự nới lỏng hạn chế nguồn cung dự kiến sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh tế, việc làm cũng như hạ nhiệt lạm phát.
Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm dấy thêm lo ngại về tình trạng gián đoạn các nguồn cung năng lượng tại khu vực.
Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung năng lượng đang ngày một lớn và nó đang khiến giá dầu leo thang. Theo Phó Chủ tịch cấp cao của Bộ phận phân tích của Rystad Claudio Galimberti, tổ chức duy nhất có thể thay đổi cục diện hiện nay là OPEC.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong nhiều tháng nay, OPEC+ lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng sản lượng, còn Mỹ thì vẫn đang thiếu hơn 1 triệu thùng so với mức sản lượng kỷ lục hàng ngày.
Trong khi nguồn cung hạn chế, nhu cầu năng lượng lại đang có dấu hiệu phục hồi mạnh. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/1 đã tăng 2,4 triệu thùng, tồn kho xăng cũng lên mức cao nhất 1 năm năm. Nhưng EIA cũng cho biết, sản phẩm tinh chế do Mỹ cung cấp, thước đo nhu cầu, lại tăng mạnh, đưa mức trung bình 4 tuần lên 21,2 triệu thùng/ngày.
Mặc dù có xu hướng tăng mạnh trong 2 phiên giao dịch gần đây nhưng giá dầu thô vào đầu phiên giao dịch ngày 27/1 vẫn có xu hướng giảm nhẹ khi nhiều nhà đầu tư thực hiện các giao dịch chốt lời sau khi giá dầu vượt mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.
Đồng USD mạnh hơn cũng là tác nhân kiềm chế đà tăng của giá dầu hôm nay.