Dầu Brent và WTI đều vượt mốc trên 90 USD/thùng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hàng loạt dữ liệu trên thị trường đã đẩy giá dầu hôm nay tăng vọt, cả dầu Brent và WTI đều vượt mốc trên 90 USD/thùng.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 4/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 90,29 USD/thùng, tăng 0,02 USD/thùng trong phiên. Nếu so với đầu giờ sáng ngày 3/2, giá dầu WTI giao tháng 3/2022 đã tăng tới 2,65 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 91,12 USD/thùng, tăng 0,01 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,12 USD so với đầu giờ sáng ngày 3/2.

Phân tích của các chuyên gia, thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung thêm trầm trọng khi thời tiết lạnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến sản lượng ở Texas đẩy giá dầu ngày 4/2 tăng vọt.

Dữ liệu thống kê từ Mỹ cho thấy, thời tiết giá lạnh đã khiến hơn 200.000 người ở Texas bị mất điện. Điều này đã thúc đẩy mạnh các nhu cầu năng lượng cho sưởi ấm, đồng thời cũng khơi gợi ký ức về bão Ida, cơn bão đã đánh sập nguồn điện của hàng triệu người dân Texas.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD lao dốc sau khi Ngân hàng Trung ương Anh quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất, cũng như phát tín hiệu về việc sẽ hành động quyết liệt để chống lạm phát leo thang.

Quyết định tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 3 tới của OPEC+ được nhận định là không đủ bù đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao, đặc biệt khi mà năng lực sản xuất của nhiều nước thành viên trong nhóm là khá hạn chế.

Trong khi nguồn cung dầu có nguy cơ bị gián đoạn, thiếu hụt, ngược lại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu lại đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo EIA, tôn kho dầu thương mại tại Mỹ đã giảm 1 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với mức dự báo tăng của giới phân tích. Tính trung bình 4 tuần, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu hiện đã ở mức 21,6 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019.

Ngoài ra, giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi xu hướng tăng giá mạnh của khi tự nhiên.

Theo đó, giá khi tự nhiên đã tăng tới 15,79% trong phiên 3/2 khi lo ngại tình trạng giá lạnh ở Mỹ sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng khí ở Texas. Bên cạnh đó, giá khí tự nhiên tăng mạnh còn do Nga giảm sản lượng khí sang châu Âu sau khi vận hành lại đường ống Yamal nối từ Nga sang Đức trong một khoảng thời gian ngắn buổi sáng đã khiến cho tâm lý thị trường bị ảnh hưởng mạnh.