Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dầu Brent vọt lên mức 121,27 USD/thùng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi mạnh, trong khi nguồn cung thiếu hụt ngày một lớn đã đẩy giá xăng dầu hôm nay tiếp tục tăng, dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,27 USD/thùng.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 3/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 120,26 USD/thùng, tăng 3,39 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,27 USD/thùng, tăng 3,66 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nguồn cung dầu được dự báo thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới, giúp giá dầu ngày 4/6 duy trì đà tăng mạnh.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng EU đã đạt được thống nhất về việc áp lệnh cấm vận đối với 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, tương đương với mức 2 triệu thùng/ngày. Điều này có nghĩa các nước EU buộc phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế để bù đắp vào mức sản lượng này.

Nhiều chuyên gia cho rằng lệnh cấm vận dầu thô Nga của EU sẽ không tác động nhiều đến thị trường, khi mà việc vận chuyển dầu thô Nga đến các quốc gia EU vốn đã vô cùng khó khăn do những lệnh trừng phạt trước đó. Nga cũng đã chủ động tìm cách dịch chuyển nguồn cung dầu sang các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế là việc dịch chuyển này đang khiến giá dầu tăng cao hơn do chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển.

Như một cách đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã ngừng hoặc giảm lượng khí cung cấp cho một loạt quốc gia châu Âu. Điều này cũng buộc các nước EU phải tìm nguồn cung thay thế để đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong nước, trong đó có cả dầu thô.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do Trung Quốc tiếp tục gỡ bỏ dần các lệnh phong toả tại nhiều thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải...

Áp lực thiếu hụt nguồn cung cũng đang ngày một lớn hơn, khi Mỹ có những động thái hạn chế xuất khẩu để giải quyết bài toán giá năng lượng và phục vụ các nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Theo dữ liệu mới được công bố, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm tới 5,1 triệu thùng, mức giảm lớn hơn nhiều so với con số dự báo 1,3 triệu thùng.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng tỏ ra khá “thờ ơ” với lời kêu gọi tăng sản lượng.

Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang phục hồi mạnh tại hầu hết nền kinh tế. Chính vì vậy, quyết định tăng sản lượng thêm 650.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8/2022 thay vì 432.000 thùng/ngày của OPEC+ được giới phân tích nhận định chỉ như “muối bỏ bể”, và điều này đã hỗ trợ giá dầu thô tăng mạnh. Thậm chí nhiều chuyên gia dự báo giá dầu thô có thể lên mức 175 USD/thùng trong thời gian tới, khi EU cấm vận hoàn toàn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga.