Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 16/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 106,51 USD/thùng, tăng 2,26 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 111,23 USD/thùng, tăng 2,45 USD/thùng trong phiên.
Nhận định của các chuyên gia, lo ngại nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt khiến tình trạng thâm hụt trên thị trường đẩy giá dầu ngày 16/4 duy trì đà tăng mạnh.
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét lộ trình cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga. Việc vận chuyển dầu thô từ Nga đến Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang vấp phải nhiều vấn đề khó khăn trong việc thanh toán và tìm tàu vận chuyển. Ngoài ra, Vitol Group, công ty giao dịch dầu lửa độc lập lớn nhất thế giới, có thể sẽ dừng hoạt động mua bán dầu thô của Nga trong năm nay.
Từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này, khiến nhiều ngân hàng, nhà giao dịch, các hãng vận tải và công ty bảo hiểm e ngại, tránh né giao dịch liên quan đến dầu thô của Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã cho rằng việc thiếu khách mua sẽ khiến nguồn cung dầu thô từ Nga trong thời gian tới sụt giảm mạnh. Cụ thể, IEA dự báo nguồn cung dầu từ Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022, và có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày từ tháng 5 tới.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do OPEC từ chốt nâng sản lượng dầu.
Ngoài ra, theo nhiều nhà phân tích, sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, nếu có, cũng sẽ không quá lớn so với mức sụt giảm nguồn cung trên thị trường và nó cũng còn lâu mới diễn ra.
Tuy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần kết thúc ngày 8/4 nhưng tồn kho các sản phẩm chưng cất từ dầu thô lại giảm mạnh.
Theo EIA, tổng lượng xăng động cơ còn trong kho của Mỹ đã giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước, trong khi nhiên liệu chưng cất giảm 2,9 triệu thùng.