Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dầu Brent xác lập đỉnh mới lên mức 118 USD/thùng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu ngày một lớn bởi chiến sự Nga - Ukraine, giá dầu hôm nay tiếp tục tăng mạnh xác lập đỉnh mới.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 5/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 115,00 USD/thùng, tăng 7,33 USD/thùng trong phiên, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 118,04 USD/thùng, tăng 7,58 USD/thùng trong phiên, mức cao nhất kể từ tháng 2/2013.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu ngày một lớn bởi tình hình chiến sự Nga - Ukraine gia tăng, và các nhà giao dịch từ chối mua dầu của Nga khiến giá dầu ngày 5/3 tăng vọt.

Việc Mỹ và các nước đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga tuy không trực tiếp nhắm vào thị trường năng lượng, nhưng đang tạo rào cản, áp lực và cả rủi ro đối với các giao dịch trong lĩnh vực này. Nhiều hãng vận tải biển lớn tuyên bố sẽ không đưa tàu đến Nga, trong khi có không ít tàu chở dầu của Nga dù đã cập cảng các nước nhưng lại không tìm được khách mua dầu.

Dầu Nga đang ế và gần như không có giao dịch. Điều này có nghĩa thị trường dầu thô vốn đang bị thắt chặt nguồn thì nay sẽ phải tìm kiếm nguồn cung khác thay thế. Các dữ liệu thống kê cho thấy, Nga từng xuất khẩu từ 4 - 5 triệu thùng/ngày và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, sau Saudi Arabia.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu có thể sẽ trầm trọng hơn nữa khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đứng trước áp lực phải cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga. Giới phân tích lo ngại, nếu điều này được thực hiện sẽ tạo ra hiệu ứng Domino, khi nhiều nước nối gót Mỹ và áp dụng các biện pháp cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga.

Trước đó, Canada đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga. Ngoài ra, một số nhà máy lọc dầu cũng đã dừng mua dầu của Nga và tìm kiếm các loại dầu khác thay thế.

Sự thiếu hụt nghiêm trọng có thể lên tới con số 4 - 5 triệu thùng/ngày nếu như toàn bộ dầu của Nga không thể được xuất bán. Nếu Mỹ và Iran đạt được thoả thuận trong việc khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran 2015, tiến tới Mỹ gỡ các lệnh trừng phạt với dầu mỏ thì con số sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Iran cũng chỉ như “muối bỏ bể”.

Các nguyên nhân trên khiến giá dầu thô được dự báo có thể lên mức 120 USD/thùng. Nếu các vấn đề xung quanh cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine không được giải quyết, con số này có thể tăng cao hơn nữa.

Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi giá khí đốt ở châu Âu liên tiếp tăng mạnh và đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên 4/3. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE của London, giá khí đốt kỳ hạn tháng 4 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên 2.392 USD/1.000 m3, vượt qua kỷ lục 2.280 USD được thiết lập vào ngày trước đó.

Ngược lại, đà tăng của giá dầu hôm nay bị hạn chế phần nào bởi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất. Ghi nhận cùng thời điểm, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đứng ở mức 98,495 điểm, tăng 0,72%.