Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu chấm son của một chặng đường vẻ vang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 như một dấu chấm son kết thúc 21 năm đấu tranh thống nhất đất nước, 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, chặng đường dài đấu tranh đó gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Ngày 20/7/1954, Hiệp định về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký tại Genève (Thụy Sĩ). Việt Nam tạm thời bị chia thành 2 khu vực Bắc và Nam vĩ tuyến 17 để hai bên tập kết những lực lượng của mình; sau 2 năm kể từ ngày Hiệp định được ký, sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do, thống nhất 2 miền. Tuy nhiên, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã xé bỏ Hiệp định Genève. Cách mạng miền Nam đứng trước những tổn thất, khó khăn lớn. Lịch sử một lần nữa lại đặt ra yêu cầu trước Đảng phải có một đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên.
Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975.
Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975.
Hội nghị T.Ư 15 (tháng 1/1959) của Đảng khẳng định: “... con đường đấu tranh vũ trang để hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam”. Nghị quyết 15 của Đảng ra đời đã đáp ứng nhu cầu lịch sử, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên vượt qua giai đoạn đen tối. Đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của Đảng - vừa mềm dẻo, phù hợp với tình hình quốc tế, giữ nguyên tính pháp lý của Hiệp định Genève, vừa thể hiện đường lối độc lập tự chủ sáng tạo, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên và quảng đại quần chúng đang đấu tranh quyết liệt với Mỹ - Diệm. Nghị quyết 15 đã tạo bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam, thể hiện rõ qua cao trào Đồng khởi rầm rộ khắp miền Nam từ đầu năm 1960.

Năm 1966, giữa lúc bom Mỹ rơi, từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm của dân tộc Việt Nam tóm tắt trong một dòng nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhân dân Việt Nam chấp nhận đối đầu với thế lực hung tàn hùng mạnh để bảo vệ phẩm giá dân tộc và những giá trị cao đẹp trong lương tri loài người. Với ý chí bất khuất kiên cường, yêu độc lập tự do, chúng ta dám đánh, quyết đánh và đã tìm ra những cách đánh sáng tạo, biết đánh và biết thắng...

Đầu năm 1975, sau khi phân tích tình hình chung và tình hình từng chiến trường, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với kế hoạch chiến lược 1975 - 1976 và nếu có thời cơ thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Kế hoạch hoạt động năm 1975 chỉ ra nhiệm vụ của từng chiến trường, đồng thời hướng hoạt động của tất cả các chiến trường vào cái đích chung là tiến tới trận quyết chiến chiến lược tại sào huyệt cuối cùng của địch bằng con đường nhanh nhất”. Quyết tâm đấu tranh thống nhất đất nước, chưa bao giờ thay đổi từ khi đất nước bị chia cắt, đến khi đó đã được xác định bằng một mốc thời gian cụ thể.

Tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột thất thủ đã nhanh chóng làm đảo lộn thế trận phòng ngự của Sài Gòn. Thất bại chiến dịch ở Buôn Ma Thuột đã biến thành thất bại về chiến lược trên toàn miền Nam Việt Nam. Kế hoạch rút quân đã không cứu được lực lượng của Thiệu ở Tây Nguyên. Không những thế, nó đã gây ra làn sóng hoảng loạn lan khắp mọi nơi làm suy yếu tinh thần quân đội Sài Gòn. Việt Nam Cộng hòa đã nhanh chóng tan rã và sụp đổ.

2. Ngay từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm nhận vị trí lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành lại được, Đảng đã động viên được ý chí của toàn dân quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ những thành quả của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Ngọn cờ chính nghĩa mang khát vọng về một xã hội không có sự áp bức nô dịch dân tộc, bảo đảm những quyền lợi chính đáng của dân tộc, của con người... được Đảng giương cao trong cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của Nhân dân Việt Nam chống cả 2 loại chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Cuộc đấu tranh kiên cường đó không những đã tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết của Nhân dân Việt Nam mà còn nhận được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới.

Chặng đường 21 năm đấu tranh thống nhất đất nước giữa thế kỷ XX của Nhân dân Việt Nam là một trong những thách thức lịch sử lớn nhất, ác liệt nhất, nhiều hy sinh nhất. Đi qua chặng đường gian khổ đó, Đảng đã tìm ra đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, tìm ra phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng phù hợp trong từng giai đoạn. Nhìn rộng hơn, những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam 85 năm qua là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, là sự hy sinh phấn đấu bền bỉ của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử to lớn và mang tính thời đại của Nhân dân Việt Nam có nguồn gốc từ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, từ việc Đảng xứng đáng và hoàn thành tốt vai trò là người lãnh đạo Nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng đất nước.