Huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội)
“Dấu chân ngựa” cuối cùng của Thánh Gióng ở làng Quảng Hội

Dấu chân ngựa Gióng là có căn cứ
Tại toạ đàm “Dấu chân ngựa” cuối cùng của Thánh Gióng ở làng Quảng Hội tổ chức vào ngày 12/7, ông Ngô Văn Học, nguyên Tổng Biên tập báo Quân khu 1, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Theo dấu chân Phù Đổng, đã chia sẻ những nghiên cứu, sưu tầm suốt 10 năm qua về dấu chân ngựa Gióng.
Khẳng định “dấu chân ngựa Gióng” là có căn cứ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh đề nghị xã Quang Tiến tiếp tục phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích đền Sóc, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện thu thập, làm dày thêm hồ sơ, tư liệu về điển tích; làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền công nhận là di tích.
Tương truyền, vào thời Vua Hùng thứ VI, trong quá trình đánh đuổi ngoại xâm, bước chân ngựa của Thánh Gióng đi đến đâu tạo thành ao (chuôm) đến đó. Dấu vết những dãy ao (chuôm) tròn nối tiếp nhau kéo dài suốt từ huyện Kim Anh - Đa Phúc cho đến dưới chân núi Sóc thuộc huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).
Ông Ngô Văn Học cũng dẫn luận điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và sâu chuỗi những câu chuyện dân gian từ đời xưa kể lại, để đưa ra hình dung, sau khi dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng ung dung cưỡi ngựa từ hướng Tây - Nam.
Đến điểm tạm dừng, ngài để lại “dấu chân ngựa” cuối cùng ở cánh đồng Hủ (thôn Đông Lai), nay là thôn Quảng Hội (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), chỉ cách núi Sóc hơn một cây số (theo đường chim bay).
Từ những tìm tòi, nghiên cứu của bản thân, TS Bùi Hữu Dược - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), nhấn mạnh dấu chân ngựa Gióng có thể xem là một huyền thoại, nhưng huyền thoại này hoàn toàn có cơ sở.
“Man mác trong câu chuyện dân gian là lịch sử vốn có. Việc tồn tại của dấu chân ngựa Gióng cuối cùng ở làng Quảng Hội rõ ràng là có căn cứ. Ngay cả người dân trên địa bàn thôn xã cũng luôn khẳng định đó không phải là hố bom, hay do người dân đào để phục vụ sản xuất…” - TS Bùi Hữu Dược đưa ra luận điểm.

Biến điển tích thành di sản
Theo Bí thư Đảng uỷ xã Quang Tiến Trịnh Hoàng Long, 64 năm qua, hình ảnh “dấu chân ngựa” Thánh Gióng luôn hằn sâu, in đậm trong tâm trí của người dân thôn Quảng Hội và có tác động ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.
Hằng năm, vào các ngày mùng Một, ngày Rằm, lễ Tết, hội làng… nhân dân thường vào chùa thắp hương, làm lễ thả hoa đăng xuống “dấu chân ngựa” Thánh Gióng ở ngay trước cửa chùa để nguyện cầu xin Ngài phù hộ độ trì những điều tốt đẹp nhất cho mỗi con người, mỗi gia đình và quê hương làng xóm.
Với ý nghĩa quan trọng của điển tích, nhân dân xã Quang Tiến có chung nguyện vọng được lập văn bia và miếu thờ Thánh Gióng đã hiện diện nơi đây qua “dấu chân ngựa” cuối cùng của Ngài còn lưu lại tại khuôn viên nhà văn hóa thôn Quảng Hội, để cộng đồng dân cư và du khách thập phương đến thắp hương chiêm bái.
TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), nhấn mạnh từ việc thống nhất nhận thức về câu chuyện lịch sử hình thành, ý nghĩa và tầm quan trọng của “dấu chân ngựa Gióng cuối cùng”, việc cần làm là chuyển hoá giá trị lịch sử tâm linh thành tài sản để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
“Việc ghi nhận chỉ là một phần, phải phát huy, biến nó thành di sản nhằm góp phần thúc đẩy các giá trị văn hoá tâm linh. Nếu du khách thập phương biết đến điển tích thì dấu chân ngựa Gióng sẽ trở thành điểm nhấn thu hút được nhiều du khách đến với huyện Sóc Sơn…” - TS Bùi Hữu Dược nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn đánh giá toạ đàm “Dấu chân ngựa” cuối cùng của Thánh Gióng ở làng Quảng Hội là một sáng kiến hay trong lĩnh vực khám phá, tìm tòi phát hiện những tư liệu quý, góp phần làm cho di tích đền Sóc ngày càng phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn.
Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ban ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, ông Đỗ Minh Tuấn đề nghị xã Quang Tiến tiếp tục nghiên cứu những phát hiện mới liên quan tới điển tích dân gian huyền thoại trong truyền thuyết Thánh Gióng, tạo thành các điểm du lịch văn hoá tâm linh độc đáo.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá; không ngừng sáng tạo và làm giàu thêm giá trị di sản văn hoá trên địa bàn xã Quang Tiến nói riêng, huyện Sóc Sơn nói chung.
“Dấu chân ngựa Gióng tại thôn Quảng Hội là điển tích có căn cứ. Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục thu thập tư liệu để làm rõ căn cứ này. Đồng thời, đề xuất huyện Sóc Sơn xem xét đưa dấu chân ngựa Gióng vào hệ thống các điểm đến du lịch văn hoá tâm linh nhằm khai thác có hiệu quả giá trị…” - Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hoá Hùng Vương TP Hà Nội.
Hiệu quả Đề án số 11-ĐA/TU của Thành uỷ Hà Nội, nhìn từ huyện Sóc Sơn
Kinhtedothi - Thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU của Thành uỷ Hà Nội, trong 3 năm qua, 100% các chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện Sóc Sơn đã duy trì và thực hiện nghiêm túc sinh hoạt chi bộ thường kỳ hàng tháng, tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng tại cơ sở.

Hà Nội mở rộng Quốc lộ 3 đoạn qua huyện Sóc Sơn lên 52m
Kinhtedothi - Quốc lộ 3 đoạn qua huyện Sóc Sơn sẽ được UBND TP Hà Nội bố trí khoảng 1.482 tỷ đồng để thực hiện mở rộng mặt cắt ngang nền đường thông thường lên 52m. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Bắc của Thủ đô.

Huyện Sóc Sơn tập trung tiêm phòng vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em
Kinhtedothi-Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, huyện Sóc Sơn đang chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo tất cả các trẻ đều được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại và tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở 100% các xã, thị trấn.