Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đau đầu chuyện bảo tồn di tích

Khánh Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hà Nội vừa có những đợt khảo sát về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP ở các quận Tây Hồ, Đống Đa, huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ… Với 5.922 di tích, gồm 2.435 di tích xếp hạng các cấp (di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng quốc gia, di tích xếp hạng TP) và 3.486 di tích chưa xếp hạng thì việc giữ gìn và bảo tồn khối lượng di sản đồ sộ này vẫn luôn làm đau đầu các nhà quản lý.

 Các công trình tự ý xây dựng trong di tích quốc gia chùa Khúc Thủy (Thanh Oai). Ảnh: Thanh Loan
Tự ý tu bổ, xây dựng

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội sáng 4/6, lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP còn tồn tại nhiều trường hợp tự ý xây dựng, tu bổ di tích khi chưa có thỏa thuận của cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền. Bài học về việc vi phạm tu bổ chùa Trăm Gian năm 2012 vẫn chưa giúp các địa phương rút kinh nghiệm. Trong 1 - 2 năm trở lại đây, trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông vẫn rầm rộ các vụ việc tự ý xây dựng, tu bổ xảy ra tại chùa Đồng Quang (quận Đống Đa), chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai), chùa Lâm So (huyện Quốc Oai), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), chùa Thiên Trù – Hương Tích (huyện Mỹ Đức), đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa), chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai)...

Tại Hà Nội, cuối tháng 4 vừa qua, các đoàn kiểm tra đã phải lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt sư trụ trì chùa Bối Khê 20 triệu đồng về hành vi vi phạm xây dựng trái phép hai cổng phụ tại Di tích quốc gia chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ðây là di tích quốc gia có giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cao, do vậy việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cần thực hiện nghiêm theo Luật Di sản văn hóa. Di tích nằm đối diện trụ sở chính quyền xã Tam Hưng, nhưng việc xây dựng trái phép vẫn diễn ra trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không lên tiếng. Chỉ đến khi đoàn kiểm tra tới lập biên bản thì việc xây dựng hạng mục không phép mới dừng. Và điều đáng buồn hơn, người có liên quan đến vi phạm này cũng chính là vị sư trụ trì từng để xảy ra vi phạm tu bổ ở chùa Trăm Gian năm nào.

Quản lý lỏng lẻo, thiếu thường xuyên

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di tích được cho là đầy đủ, rõ ràng, nhưng vì sao vẫn có tình trạng dễ dàng xâm hại di tích, thậm chí sai phạm nghiêm trọng tại các di tích? Thực tế, sau mỗi sự việc xâm hại di tích, câu trả lời của các đơn vị quản lý chuyên ngành liên quan thường là “không được báo cáo, cơ sở không xin ý kiến cho nên không biết”... Tư duy này là nguyên nhân chính gây ra lỗ hổng lớn, sự lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương không thường xuyên, kịp thời.

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội, đại diện Sở VH&TT còn báo cáo về tình trạng, nhiều di tích còn tồn tại hiện tượng tự ý tu sửa, sơn thếp tượng, hiện vật, đồ thờ; đưa các loại vật liệu xây dựng, tiếp nhận công đức các hiện vật, bày đặt vị trí không phù hợp với di tích. Một mặt, công tác vệ sinh môi trường, bao sái hiện vật, đồ thờ chưa được quan tâm; bài trí hiện vật, đồ thờ còn lộn xộn; khu nội tự không đảm bảo gọn gàng, ngăn nắp; còn hiện tượng gắn đá khắc tên người công đức trên tường... Ngoài lý do đội ngũ cán bộ quản lý di tích còn mỏng, chuyên môn chưa đáp ứng kịp thời thì những người trông coi di sản chưa ý thức cao trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Một số làng, xã có tư tưởng “tiền của dân thì dân tự làm” nên tồn tại việc tự ý phá dỡ để tu sửa và xây mới làm hư hại, thay đổi di tích.

Tại buổi làm việc với các địa phương, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND đề nghị các quận, huyện bố trí kế hoạch vốn, đồng thời, thúc đẩy kêu gọi các nguồn lực để ưu tiên trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp nghiêm trọng. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh công tác quản lý văn hóa phải thường xuyên và đề nghị ngành cần tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, gắn trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.