PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương:

Đau đáu khát vọng chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam!

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam" do PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và 22 đồng tác giả đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6.

Kết quả của công trình đã góp phần quan trọng vận động nguồn lực trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, được WHO và quốc tế đánh giá cao. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung xung quanh vấn đề này.

Công trình xác lập nhiều điểm sáng

Ông có thể chia sẻ lý do lựa chọn công trình nghiên cứu khoa học này?

- Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam" là cụm công trình nghiên cứu lớn, liền mạch và xuyên suốt với 3 nhóm mục tiêu cốt lõi được thể hiện trong 23 nghiên cứu. Trong đó, nổi bật nhất là những nghiên cứu về lao. Từ cơ bản đến nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu phát triển.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đại diện nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng cao quý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đại diện nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng cao quý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Lý do lựa chọn công trình nghiên cứu khoa học này là vì chúng ta đang có khát vọng chấm dứt bệnh lao. Thực tế, bệnh lao có hơn 140 năm qua, từ khi tìm thấy vi khuẩn lao nhưng đến nay chưa được giải quyết. Vì vậy, chúng tôi luôn đau đáu, khát vọng mong muốn chấm dứt bệnh lao.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã triển khai 4 điểm mới cần phải làm (đổi mới về tư duy, công nghệ, tiếp cận và đầu tư. Cụm công trình này là đổi mới về công nghệ và tiếp cận. Với ý tưởng ban đầu là “vét tất cả các nguồn lây” trong cộng đồng, chúng tôi (chọn tỉnh Cà Mau  là nơi tương đối biệt lập để nghiên cứu, xung quanh chủ yếu là biển) đã thiết kế nghiên cứu ACT3 (nghĩa là phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng) trong 4 năm và cho kết quả tốt đẹp.

Công trình này lần đầu tiên triển khai nghiên cứu với cỡ mẫu lớn gần 100.000 người, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm, phát hiện bệnh lao trong cộng đồng đã làm giảm bệnh lao nhanh hơn 44% so với can thiệp thường quy. Và nếu kết hợp tác động của các hoạt động thường quy có thể giảm đến 72% bệnh lao sau 4 năm triển khai nghiên cứu, là bằng chứng về tính khả thi của mục tiêu chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Đây là bằng chứng truyền cảm hứng cho toàn thế giới, tạo niềm tin cho những người mong muốn chấm dứt bệnh lao, cộng đồng những người chống lao.

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo ý tưởng này sẽ rất tốn kém vì tất cả người dân sẽ được lấy đờm 1 lần/năm, làm xét nghiệm Xpert (xét nghiệm xác định vi khuẩn). Và chúng tôi đã nghiên cứu ra, với X quang phổi có thể chụp hàng loạt rất nhanh. Qua nghiên cứu về dịch tễ điều tra, tỷ lệ dương tính trong số những người có vi khuẩn lao hơn 90% (nghĩa là độ nhạy của phương pháp trên 90%). Phương pháp này có làm nhanh, một lúc nhiều người để sàng lọc những người nào cần phải làm xét nghiệm Xpert.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Năm 2016, tôi đã đề xuất chiến lược 2X (Xquang và Xpert), phát hiện chủ động nhưng sử dụng Xquang để sàng lọc và Xpert để khẳng định bệnh lao.

Một bằng chứng rất rõ rệt khi áp dụng chiến lược mới, tỷ lệ phát hiện bệnh lao tăng lên. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta đã giảm 23% số bệnh nhân lao được phát hiện. Nhưng năm 2022, nước ta đã áp dụng “ồ ạt” theo chiến lược 2X ở hầu hết các tỉnh/TP, ước tính trong 3 quý đầu đạt chỉ tiêu ngang bằng với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Điều này đã gây ấn tượng với các tổ chức thế giới (CDC, WHO) và được mệnh danh là “quán quân” phục hồi phòng, chống lao (dịch vụ khám, chữa bệnh, phát hiện bệnh lao).

Công trình đã mang lại những giá trị khoa học cũng như thực tiễn ra sao, thưa ông?

- Với cụm công trình này, chúng tôi nghiên cứu tìm ra phác đồ mới (phác đồ 4 tháng) điều trị bệnh lao (với mục đích phát hiện và điều trị khỏi nhiều nhất). Sau 40 năm, chúng ta mới có phác đồ điều trị lao 4 tháng. Đây là nghiên cứu mang tính chất đột phá về mặt điều trị. Bởi những phác đồ trước đây kéo dài tới 24 tháng, 20 tháng sau đó giảm còn 15 tháng, 12 tháng, 9 tháng, hiện tại, đang dùng phác đồ phổ thông 6 tháng.

Việc ứng dụng sáng tạo phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng và phác đồ có thuốc mới Bedaquiline điều trị tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc với hiệu quả điều trị cao và tác dụng phụ thấp, phối hợp với tối ưu hóa các kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến đã giúp Việt Nam có kết quả điều trị cao hơn trung bình trên thế giới khoảng 15- 20%. Cụm nghiên cứu này đã cứu sống hàng nghìn người bệnh lao đa kháng, tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc, trước đây coi như vô phương cứu chữa.

Đặc biệt, công trình này nghiên cứu về bệnh phổi, trong đó, có một số những điểm sáng.

Điểm sáng thứ nhất, lần đầu tiên tại Việt Nam, ca ghép thùy phổi từ người cho sống đã thành công với kết quả điều trị chống thải ghép rất thuận lợi. Theo dõi và điều trị biến chứng thải ghép sau ghép phổi là một vấn đề rất khó khăn kể cả ở các nước có nền y học phát triển, sau hơn 4 năm, sức khỏe của bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi tại Việt Nam vẫn ổn định. Thành công từ cụm công trình nghiên cứu này đã đưa Việt Nam vào bản đồ ghép phổi của thế giới, đưa kỹ thuật chuyên ngành hô hấp nước ta lên tầm cao mới. Từ đó, kỹ thuật ghép phổi có thể được áp dụng thường quy tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc.

Điểm sáng thứ hai, trong cụm công trình đã đưa ra những nghiên cứu, chẩn đoán sớm, xây dựng được mạng lưới chương trình ung thư để các trung tâm kết hợp với đơn vị vệ tinh hỗ trợ người bệnh ung thư phổi một cách tốt nhất.

Điểm sáng thứ ba, lần đầu tiên, nước ta ước tính được có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Như vậy, chúng ta đang chẩn đoán dưới mức và ước tính khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các nghiên cứu điều trị và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chẩn đoán sớm và điều trị ung thư phế quản là những bước tiến lớn của khoa học y học nước nhà, đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh, đồng thời giảm tải gánh nặng cho hệ thống y tế.

Điểm sáng thứ 4, liên quan đến cúm A (H5N1). Kết quả công trình giúp chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh nhân mắc cúm A (H5N1) đã chứng tỏ năng lực y tế của Việt Nam ngang tầm khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch H5N1 các năm 2004-2006, nhờ có các quy trình chẩn đoán, điều trị và dự phòng dịch bệnh toàn diện, Việt Nam đã khống chế được bệnh H5N1 thành công với tỉ lệ tử vong thấp là 39% so với thế giới là 61%.

Một công cụ khác cũng được áp dụng trong nghiên cứu này là xác định tổn thương ở phổi một cách tốt nhất (ung thư, nấm, tổn thương phổi khác). Bộ công cụ này đã được cấp độc quyền với giải pháp hữu ích là phương pháp nghiên cứu, chẩn đoán sớm, chính xác bằng những kim sinh thiết phổi hút, kim nhỏ cũng như  các lưới định vị ở trên chụp Xquang phổi.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN.

Tuy dịch Covid-19 không phải trong cụm công trình nhưng trên cơ sở nghiên cứu công trình này (dựa trên kinh nghiệm quản lý bệnh lao một cách chủ động, có công nghệ để phát hiện nhanh và chính xác) nhóm nghiên cứu cũng đã tham mưu trong điều trị, kiểm soát dịch Covid-19 một cách tốt nhất.

Hành trình ngăn chặn bệnh lao lên tầm cao mới

Công trình nghiên cứu có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng  những người mắc bệnh lao, thưa ông?

- Cụm công trình này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với cộng đồng. Mục đích của công trình này nhằm phát hiện bệnh lao một cách chủ động để nhiều người được tiếp cận với phương pháp khám, xét nghiệm tiên tiến, giảm tỷ lệ tử vong. Việc ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới, với tỷ lệ giảm là 4,5% mỗi năm tại Việt Nam so với 1,5% mỗi năm trên toàn cầu.

 

Trong 5 năm qua (2015 – 2020), nước ta ước tính giảm 34% tỷ lệ tử vong do lao. Trong khi, cùng thời gian đó, toàn cầu chỉ giảm 14% tỷ lệ tử vong. Nếu tính toán theo mô hình này, dịch tễ lao giảm trong 10 năm qua đã giúp tiết kiệm khoảng 8.781 tỷ đồng, vì đã ngăn ngừa được khoảng 284.000 người mắc lao mới.

Ngoài ra, công trình này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với công tác phòng, chống lao trên thế giới. Việt Nam đang được đánh giá là mô hình mẫu, đi đầu. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, nước ta được đánh giá rất cao về sự hồi phục. Có thể nói, kết quả của công trình này đã góp phần quan trọng vận động nguồn lực trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, được WHO và quốc tế đánh giá cao.

Thời gian tới, chúng ta có thể triển khai những công việc gì để hướng tới khát vọng chấm dứt hoàn toàn bệnh lao tại Việt Nam?

- Chúng ta phải phát huy được giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN lần này để có thể lan tỏa đến toàn bộ mạng lưới hơn 19.000 cán bộ trong cả nước. Điều này tập trung tiến đến mục tiêu cao cả nhân văn, đó là chấm dứt bệnh lao, tránh cái chết của hàng chục nghìn người và làm cho hàng trăm nghìn gia đình hạnh phúc.

Để làm được điều đó, chúng ta phải áp dụng những khuyến cáo đã được khẳng định, có bằng chứng. Đó là phát hiện chủ động, chụp Xquang để sàng lọc, Xpert để khẳng định. Trong môi trường BV cần phát hiện một cách tích cực. Với những trường hợp có triệu chứng về hô hấp chưa chụp Xquang nên chụp Xquang một lần để khẳng định, loại trừ hay có nghi ngờ bệnh lao. Với Xpert, chúng ta sẽ lan tỏa, áp dụng thay thế phương pháp soi kính hiển vi.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thăm khám cho bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thăm khám cho bệnh nhân.

Điều quan trọng hơn chúng tôi muốn lan tỏa là cần nguồn lực (tài chính và nhiều người cùng tham gia). Nếu với dịch Covid-19, áp dụng phác đồ là 20% và 80% (20% công việc kiểm soát Covid-19 thuộc về y tế, 80% công việc không thuộc về y tế) thì mô hình chống lao sẽ là 40% và 60%. Nghĩa là nguồn lực tham gia không phải chỉ 40% cán bộ chống lao mà phải huy động thêm 60% nhân lực (hỗ trợ của cộng đồng từ hội phụ nữ, cựu chiến binh, cấp ủy, chi bộ cơ sở, trạm y tế xã và những người đã từng điều trị lao tình nguyện cùng vào cuộc) phổ biến kiến thức cho người dân biết.

Mặt khác, bệnh lao cần phải có hướng nghiên cứu mới tiếp theo. Công thức 4 tháng chưa phải là ngắn, chúng ta phải phát triển thêm những phác đồ mới có thể ngắn hơn hoặc ít thuốc hơn, áp dụng nhiều thuốc mới hơn. Hay một hướng nghiên cứu khác để phát hiện bệnh lao nhanh hơn ngoài kỹ thuật hiện đại, cần có những biện pháp nhạy hơn. Đơn cử, gần đây có kỹ thuật digital PCR (PCR kỹ thuật số) cho phép định lượng nucleic acid một cách chính xác với độ nhạy cao. Hiện nay, chúng ta đang cùng các đối tác nghiên cứu kỹ thuật digital PCR để có thể áp dụng ở Việt Nam. Với kỹ thuật này, chúng ta có thể làm tăng độ nhạy ở mỗi cụm gia đình, khu nhà…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đánh giá, đo lường để huy động người dân, cộng đồng chủ động phòng, chống bệnh lao. Đây là hướng nghiên cứu xã hội học để người dân hiểu bệnh lao tương tự như Covid-19, không kỳ thị với bệnh lao như trước kia. Từ năm 2020, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu lấy hiểm họa dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam chống bệnh lao. Ngoài ra, chúng tôi mới có một số manh mối về ý tưởng khoa học để áp dụng từ Đông y của Việt Nam về bệnh phổi (nhiều vấn đề như ung thư), lao hạch, lao ngoài phổi…

Xin cảm ơn ông!

 

Hàng năm, ước tính có khoảng 170.000 người mắc lao. Nếu không chữa lao, ước tính tỷ lệ tử vong khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, nếu được điều trị, tiếp cận với phương pháp chữa lao như chương trình hiện nay chỉ có 3% tỷ lệ tử vong (với những trường hợp phát hiện muộn hoặc có bệnh nền). Năm 2020, nước ta ước tính dưới 10.000 người tử vong do lao nhưng đến năm 2021, ước tính tăng lên gần 11.000 người tử vong do giảm số lượng người được phát hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần