Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đau đầu” quản lý 73 tỷ đồng bán hai cây sưa đỏ ở Chương Mỹ

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) đã được bà Trương Thị Nga, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) bàn giao 73 tỷ đồng sau đấu giá hai cây sưa đỏ nhưng việc quản lý số tiền này đang khiến họ đau đầu…

Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai chia sẻ thông tin với phóng viên về các phương án tính toán để quản lý, sử dụng 73 tỷ đồng.
Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai chia sẻ thông tin với phóng viên về các phương án tính toán để quản lý, sử dụng 73 tỷ đồng.

 73 tỷ đồng là quá “khủng”

Đã gần một tuần trôi qua nhưng đến nay, sau khi cộng đồng dân cư và cán bộ thôn Phụ Chính tiếp nhận đủ 73 tỷ đồng từ bà Trương Thị Nga trong việc giao dịch thành công lô gỗ sưa đỏ được chặt hạ từ hai cây sưa khoảng 100 năm tuổi trồng ở chùa Phụ Chính, người dân nơi đây vẫn đang loay hoay trước số tiền quá "khủng" này.

Ngay sau khi hoàn tất thủ tục tiếp nhận 73 tỷ đồng, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính cùng Hội Người cao tuổi của thôn và cán bộ thôn Phụ Chính bước đầu thống nhất tạm thời gửi toàn bộ số tiền này vào Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ.

Nhưng cộng đồng dân cư thôn cùng Hội Người cao tuổi và cán bộ thôn chưa tổ chức được các cuộc họp Chi ủy, hội nghị dân quân chính, họp cộng đồng dân cư và lãnh đạo địa phương để thống nhất phương án gửi tiền vào ngân hàng nào và ai đứng đại diện chủ tài khoản cho cộng đồng dân cư.

Liên quan đến nội dung này, Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai cho biết: "Những ngày qua, do chưa tổ chức được các cuộc họp giữa cán bộ thôn, người dân và cán bộ xã nên chúng tôi vẫn chưa đưa ra được phương án cụ thể trong việc sử dụng, quản lý 73 tỷ đồng bán hai cây sưa đỏ".

Hiện nay, cán bộ thôn, các cụ cao tuổi cũng như đại diện hội, đoàn thể của thôn và lãnh đạo xã đang “đau đầu” trong việc nghiên cứu, tìm những người đại diện tham gia đứng tên chủ tài khoản số tiền 73 tỷ đồng gửi vào ngân hàng với các tiêu chuẩn về nhận thức pháp luật, đạo đức, sức khỏe…

Không những vậy, hiện nay có nhiều luồng ý kiến trong cộng đồng dân cư cũng như các cụ cao tuổi và cán bộ khi nắm tình hình về việc sẽ gửi số tiền 73 tỷ đồng “khủng” vào ngân hàng nào, ngân hàng tư nhân hay ngân hàng Nhà nước hoặc gửi vào nhiều ngân hàng hay một ngân hàng?

Cũng theo Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai, thời gian này, việc nắm bắt thông tin từ cộng đồng dân cư trong thôn và các cụ cao tuổi cũng như cán bộ thôn, xã để tổ chức các cuộc họp thống nhất việc quản lý, sử dụng 73 tỷ đồng từ bán hai cây sưa đỏ là rất cần thiết.

Nhiều ý kiến trong cộng đồng dân cư và các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính lại cho rằng, trước mắt cứ sử dụng một phần tiền trong số 73 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội của thôn xong rồi mới tính đến gửi ở ngân hàng Nhà nước cho an toàn, ổn định…(?)

Chùa Phụ Chính được hoàn thành xây dựng từ năm 2019 bằng nguồn tiền khoảng 20 tỷ đồng lấy từ bán một cành cây sửa đỏ trong chùa Phụ Chính cũ.
Chùa Phụ Chính được hoàn thành xây dựng từ năm 2019 bằng nguồn tiền khoảng 20 tỷ đồng lấy từ bán một cành cây sửa đỏ trong chùa Phụ Chính cũ.

Sẽ có nhiều phương án

Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai chia sẻ: Phụ Chính là thôn có hơn 600 hộ gia đình với khoảng 2.300 khẩu sinh sống ở nhiều xóm, để tổ chức họp đầy đủ đại diện các gia đình là khó. Do vậy, Chi bộ, thôn, Hội Người cao tuổi sẽ tính đến việc họp trưởng xóm trước.

Để có được kết quả cuối cùng trong việc quản lý số tiền 73 tỷ đồng, những ngày tới đây, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính và các cụ cao tuổi cũng như cán bộ thôn cùng lãnh đạo xã sẽ tổ chức rất nhiều cuộc họp để đưa ra các phương án rồi biểu quyết, thống nhất cùng thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Chính Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trước đó, ngày 9/5, tại thôn Phụ Chính, xã Hoà Chính, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đã cùng các đơn vị liên quan và bà Trương Thị Nga, thôn Phù Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong hoàn thành thủ tục giao nhận 73 tỷ đồng và 2 cây sưa đỏ.

Tại buổi bàn giao, bà Nga đã nhận đủ toàn bộ số gỗ sưa được chặt hạ từ 2 cây sưa đỏ do người dân thôn Phụ Chính trồng trong chùa Phụ Chính khoảng 100 năm trước rồi cất giữ, bảo quản trong container để ở sân nhà văn hóa Thôn Phụ Chính và trông giữ cẩn thận.

Container gỗ sưa để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính được các cụ thay phiên nhau trông giữ hơn 4 năm qua.
Container gỗ sưa để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính được các cụ thay phiên nhau trông giữ hơn 4 năm qua.

Còn phía cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính cũng đã hoàn tất các thủ tục nhận đầy đủ 73 tỷ đồng như thỏa thuận ký kết trong hợp đồng giữa người dân thôn Phụ Chính và bà Nga tại phiên đấu giá thành công lô gỗ sưa đỏ ngày 27/4/2023.

Qua đó, người dân thôn Phụ Chính rất phấn khởi sau nhiều năm với 6 phiên đấu giá mới thành công trong việc bán hai cây gỗ sưa đỏ để lấy tiền đầu tư xây dựng công trình phúc lợi phục vụ người dân. Như vậy, sau 6 phiên đấu giá hai cây sưa đỏ với khoảng 100 năm tuổi mới có được kết quả.

Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai cho biết thêm: Kể từ khi chặt hạ hai cây sưa đỏ rồi cưa ra thành từng khúc để phân loại và cán bộ cũng như người dân địa phương đã nhiều lần chứng kiến việc chính người dân cẩu số gỗ sưa ra cho thương lái vào xem hàng.

Trong đó, có cả khách trong nước và nước ngoài đến xem hỏi mua lô gỗ sưa đỏ. Mỗi lần đưa số gỗ ra khỏi thùng cho khách xem tốn rất nhiều chi phí và phải đến phiên thứ 6, đấu giá ngày 27/4/2023 mới có kết quả.

Các bên niêm phong container chứa số gỗ sưa đỏ để chờ làm thủ tục tiếp theo.
Các bên niêm phong container chứa số gỗ sưa đỏ để chờ làm thủ tục tiếp theo.

Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ có hai cây sưa đỏ quý hiếm. Một cây khoảng 130 năm tuổi, có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng 100 năm tuổi.

Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho 1 cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng và các công trình phúc lợi khác.

Đến tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.

Qua đó, ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ theo như hướng dẫn và chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg.