"Đau đầu" vì hàng Tết nhảy giá từng ngày

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số tiền lương và thưởng cuối năm ít ỏi khiến chị Tuyết, nhân viên nhà máy dệt phải tính toán chi ly cho các khoản đồ Tết. Nhưng thực tế khi mua, chị giật mình khi thấy cái gì cũng tăng giá mạnh.

Chỉ trong 2 tuần sát Tết, các loại bia, bánh mứt kẹo, dầu ăn, hạt bí... tăng giá tới vài lần, đắt thêm trên 10.000 mỗi loại khiến cả giới kinh doanh và người tiêu dùng đều đau đầu.

Hồi đầu tháng, chị Thủy, sống ở Trương Định, Hà Nội mua thùng bia Heineken với giá 360.000 đồng. Nhưng vừa hôm qua, ra sắm thêm để về ăn Tết và mang biếu, chị phải mua với giá 375.000 đồng mỗi thùng. Dù lấy tới 10 thùng, song chủ cửa hàng vẫn kiên quyết không bớt vì lãi chẳng được là bao.

Không chỉ bia, nhiều sản phẩm khác cũng có giá tăng mạnh. So với thời điểm cách đây một tuần, mỗi cân hạt bí tăng tới 30.000 đồng, từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng, dầu ăn loại 5 lít tăng từ 185.000 đồng lên 215.000 đồng... "Tính ra cái nào cũng tăng giá vài chục nghìn đồng, lô hàng mua hồi đầu tháng chưa đến một triệu, nay cũng thế nhưng thanh toán đã đắt hơn gần 200.000 đồng", chị Thủy than phiền.

Số tiền lương và thưởng cuối năm ít ỏi khiến chị Tuyết, nhân viên nhà máy dệt phải tính toán chi ly cho các khoản đồ Tết. Nhưng thực tế khi mua, chị giật mình khi thấy cái gì cũng tăng giá mạnh. Thùng mỳ chị muốn mua dự trù là 110.000 đồng thì đi hỏi vài đại lý, giá đều không dưới 125.000 đồng, các hộp bánh kẹo đều phải mua với giá cao hơn 5.000 - 10.000 đồng, chai rượu vang cũng tăng 15.000 đồng so với lúc khảo giá trước đó một tuần.

Trong khi tiền lương, thưởng đều giảm hơn so với năm ngoái thì giá cả lại tăng cao hơn tới vài chục nghìn đồng mỗi loại khiến chị đành mua với số lượng ít hơn. "Tiền chỉ có từng đấy, giờ giá lên, cũng chưa biết trông vào đâu cả, trong khi việc biếu và dùng đều không thể thiếu", chị Tuyết nói. Vị khách này cho rằng, lợi dụng dịp cuối năm, mọi người đều có nhu cầu mua sắm nhiều, các cửa hàng đã đẩy giá để bắt chẹt người tiêu dùng.

Bản thân những người bán hàng, chủ các hiệu đại lý cũng đau đầu với giá hàng Tết nhảy múa thời điểm này. Cô Hoàn, kinh doanh bánh mứt kẹo trong phố Tôn Thất Tùng cho biết, giá nhập mỗi ngày mỗi giá, khiến cô không thể không nâng giá, mặc dù bị khách than phiền rất nhiều. Cô kể, hồi đầu tháng, mỗi thùng bia Hà Nội, giá tăng 10.000 đồng vì có thêm chữ "Chúc mừng năm mới" và chương trình mở nắp lon trúng thưởng. Một tuần sau, giá tăng thêm 10.000 đồng nữa. Hiện tại, mức bán ra là 215.000 đồng, tăng 25.000 đồng so với tháng trước.

Tương tự, chỉ trong vòng 2 tuần, giá bia Heineken tại đây nhảy giá tới 4 lần, mỗi lần tăng 5.000 đồng, từ 360.000 đồng lên 365.000 đồng và nay là 375.000 đồng mỗi thùng. "Cứ mỗi lần đi lấy hàng là về giá lại khác, chỉ nhớ giá lô mới với lô cũ đã chóng mặt, đi nhập hàng cũng hoa mắt, khảo giá khắp nơi", cô nói.

Đứng hỏi một thùng mỳ Hảo Hảo tại đại lý trên phố Cầu Giấy, chị Quỳnh Hương được chủ hiệu cho biết, tạm thời đang hết hàng, chờ đến chiều mới có. Song chủ kinh doanh này từ chối báo giá trước vì mỗi lần lấy hàng về, giá đều tăng vài nghìn đồng. "Tuần trước là 97.000 đồng, song lên 100.000 đồng, vừa hôm qua bán đã là 102.000 đồng rồi, đợt mới về thì chưa biết có lên nữa không", chị nói.

Chủ cửa hàng này kể, đầu tuần trước, chị chót báo giá cho khách lấy 5 thùng bia Tiger với giá 255.000 đồng mỗi thùng. Đến tối lấy hàng mới về, giá nhập đã là 260.000 đồng khiến chị buộc phải nâng lên mức 270.000 đồng. Nhưng người mua không chịu thông cảm, cho rằng chị nhận tiền đặt cọc rồi bắt chẹt, lời qua tiếng lại khá lâu.

Theo anh Phúc, người có hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề bán tạp hóa, đại lý, giá cả tăng do 2 yếu tố chính. Dịp Tết, thay đổi mẫu mã và đầu tư nhiều hơn cho quảng cáo nên bản thân các doanh nghiệp sản xuất cũng nâng giá 2-5%. Song, việc nhảy giá từng ngày chủ yếu là do tư thương bán buôn. Những người có vốn lớn thường nhập hàng số lượng lớn từ hồi tháng 9, tháng 10, chờ đến Tết mới bung ra để ăn lãi lớn. Đây cũng là một trong những lý do khiến các điểm bán bình ổn giá, nhờ dự trữ hàng hóa và ký kết hợp đồng với nguồn cung nên có giá bán một số mặt hàng rẻ hơn ngoài đại lý vào mỗi dịp Tết.

Anh Phúc cho hay nếu có vốn lớn, đại lý nên nhập nhiều hàng từ trước, vừa để giữ giá ổn định, vừa khỏi phải chạy theo thị trường. Tuy nhiên, anh cũng khuyến cáo, việc lấy hàng số lượng lớn chỉ nên áp dụng với những sản phẩm vẫn có sức tiêu thụ mạnh ngay cả khi ra Giêng như dầu ăn, mỳ, nước mắm, bia... Còn những sản phẩm đặc trưng cho Tết như hạt dưa, bánh kẹo, mứt... thì ôm hàng lớn có thể lỗ nặng, do Tết ra rất khó bán, thậm chí giá trên thị trường lúc đó còn rẻ giá nhập thời điểm này.