Đau đầu với tín dụng đen hoạt động dưới vỏ bọc công ty công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi. Đặc biệt, hình thức tín dụng đen hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển những app cho vay, hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát.

Nhiều loại hình biến tướng

Mới đây, bà Đ.T.M. - một hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn huyện Mỹ Đức tá hỏa khi tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bà nhận được tin nhắn khủng bố đòi nợ, đe dọa của một tổ chức tín dụng đen. Mặc dù bà không hề vay mượn của tổ chức tín dụng này. Sau khi tìm hiểu, sự việc có liên quan đến một giáo viên trong trường, nơi bà Đ.T.M. đang công tác. Được biết, vị giáo viên này có vay mượn một khoản tiền tín dụng đen. Mặc dù đã thanh toán gấp 2 lần số tiền gốc vay ban đầu, nhưng phía công ty tín dụng đen kia không đồng ý cho người này tất toán hợp đồng. “Không biết tổ chức tín dụng kia có được danh bạ của người thân, bạn bè tôi bằng cách nào. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới sự việc, nhưng với cách làm này đã gây mất uy tín, ảnh hưởng tâm lý tôi rất nhiều” - bà Đ.T.M. tâm sự.

Cũng là một nạn nhân vay tín dụng đen qua app, chị Hoàng Quyên ở Thanh Xuân nhiều tháng ròng bị trầm cảm vì bị tổ chức tín dụng đen gọi điện, nhắn tin đe dọa khủng bố. Thậm chí, cắt ghép ảnh gia đình chị, dựng chuyện bôi xấu danh dự đăng trên mạng xã hội.

Sau khi định thần lại, chị Quyên chia sẻ: “Năm ngoái, do cần tiền nhập hàng gấp nên tôi đã vay tiền của 1 app trên mạng với số tiền 57 triệu đồng. Sau nhiều tháng trả góp tôi đã thanh toán số tiền lên tới 187 triệu đồng, nhưng khi yêu cầu tất toán hợp đồng thì phía cho vay yêu cầu tôi phải thanh toán thêm 130 triệu đồng nữa. Sau khi không thực hiện đúng yêu cầu phía họ đưa ra, thì tôi bị khủng bố như trên”.

Các tổ chức tín dụng đen quảng cáo ở khắp mọi nơi bằng nhiều hình thức
Các tổ chức tín dụng đen quảng cáo ở khắp mọi nơi bằng nhiều hình thức

Chia sẻ về vấn nạn này, Đại tá Đỗ Minh Phương – Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết: Hiện, tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển app cho vay. Với việc hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát các app này. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các DN núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào.

Theo Đại tá Đỗ Minh Phương, thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

 

Trong 3 năm từ (15/4/2019 – 14/4/2022), qua công tác nghiệp vụ, các địa phương đã rà soát, phát hiện 7.903 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 691 cơ sở kinh doanh tài chính dưới các hình thức; 3.941 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất cao; 37 cơ sở kinh doanh, 46 cá nhân hoạt động huy động vốn lãi suất cao; 762 cá nhân tham gia hụi, họ, biêu phường; 13 cơ sở dịch vụ đòi nợ; 140 băng nhóm/730 đối tượng; 1.874 đối tượng hoạt động đơn lẻ có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Kết quả đã khởi tố 701 bị can, XPHC 428 đối tượng.

“Có những đối tượng mạo danh tín dụng tiêu dùng đưa ra mức lãi suất có thể thấp nhưng phí tiền phạt cao. Các đối tượng thường công bố lãi suất từ 20% trở xuống, nhưng khi đã vay sẽ phát sinh nhiều khoản phí tư vấn, giải ngân, phát nợ quá hạn… rất cao, khiến lãi mẹ đẻ lãi con. Có trường hợp hàng nghìn phần trăm/năm” – Đại tá Đỗ Minh Phương thông tin.

Nâng cao cảnh giác

Đại tá Đỗ Minh Phương cho biết: Sau 3 năm quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật  liên quan đến hoạt động tín dụng đen, tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua những vụ án trọng điểm thời gian qua cho thấy, các đối tượng TDĐ có xu hướng chuyển đổi sang hoạt động trên môi trường không gian mạng, số tiền giao dịch lớn hơn rất nhiều so với các thủ đoạn phạm tội truyền thống, có sự tham gia của nhiều người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát Hình sự đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch, tập trung vào những đối tượng hình sự hoạt động tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay qua App, website để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn của tổ chức tín dụng đen
Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn của tổ chức tín dụng đen

Trong thời gian tới, để tăng cường các biện pháp đẩy lùi tín dụng đen, Cục Cục Cảnh sát Hình sự tham mưu Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó, cần rà soát, kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện vi phạm, liên quan đến hoạt động tín dụng đen, để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Cùng với đó, đề nghị Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh núp bóng dưới các tên như công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, ứng dụng app cho vay... Những công ty này đặt tên mập mờ dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Vì vậy, cần phải giúp người dân hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định pháp luật về ngân hàng với các loại hình công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng, cửa hàng cầm đồ, app cho vay, cá nhân cho vay thông qua hình thức hụi, họ… để tin tưởng và yên tâm tìm tới những công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vay vốn phục vụ mục đích chính đáng.

 

"Người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức thận trọng, không nên vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo, tổ chức tài chính núp bóng hoạt động tín dụng đen… nhằm tránh trường hợp vay dễ nhưng khó trả, khiến nợ chồng nợ. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng quy định của pháp luật." - Đại tá Đỗ Minh Phương – Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an).