Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đấu giá đất tăng đột biến: mạnh tay xử lý đối tượng lũng đoạn thị trường

Doãn Thành thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày gần đây, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến các phiên đấu giá đất được tổ chức tại địa bàn Hà Nội. Đó chính là việc một số lô đất đã được trả mức cao gấp đến 18 lần so với giá khởi điểm.

Theo đánh giá, việc này thoạt nhìn thì mang lại lợi ích cho Nhà nước, bởi nó tạo ra một nguồn ngân sách lớn, nhưng về dài hạn nếu để tình trạng này tiếp diễn, có thể gây ra những hệ lụy xấu cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cho cả nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.

­Ông đánh giá thế nào về việc thời gian gần đây tại các phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở một số huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều cá nhân tham gia đã trả giá với mức rất cao so với giá khởi điểm?

- Có ý kiến cho rằng, sự việc đấu giá đất tại một số huyện ngoại thành Hà Nội thời gian gần đây ghi nhận nhiều lô đất được trả giá rất cao là do sự điều tiết của thị trường, khi TP Hà Nội phê duyệt đầu tư xây dựng một loạt tuyến đường giao thông lớn kết nối với hệ thống giao thông trọng yếu của Thủ đô và quốc gia, đặc biệt là đường Vành đai 4. Những huyện tổ chức đấu giá đất vừa qua hầu hết đều nằm trên hành lang của đường Vành đai 4. Đây là một khối của hệ thống giao thông, tạo ra tiền đề để phát triển đô thị trong thời gian tới.

Việc đấu giá đất tăng gấp nhiều lần như thế là bất thường, vì có thể có 1 nhóm người đầu tư đất nền trước đây đã mua gom được đất với giá rẻ, số lượng lớn. Hiện nay, họ đã nhân cái việc đấu giá đất này mua hồ sơ, tham gia đấu giá và cố tình trả với mức cao để giá đất chung ở toàn khu vực đó “ăn theo” tăng vọt lên. Như vậy khi thanh khoản những lô đất đã mua trước đó, họ sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, không loại trừ hiện tượng lướt sóng, mà ở đây là “lướt sóng ảo”, là những “chân gỗ” trong cùng 1 nhóm đấu giá tổ chức giao dịch, trả giá ngay tại sàn đấu giá để tạo ra một bằng bằng giá mới. Về dài hạn, việc này sẽ tạo ra nhiều hệ lụy đến quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Những hệ lụy mà ông muốn nói tới ở đây là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc giá đất được đẩy lên quá cao như vậy trong các phiên đấu giá là bất cập. Thoạt nhìn có thể thấy, chính quyền TP Hà Nội thu được một khoản tiền lớn cho ngân sách Nhà nước, như thế là thắng lợi nhưng thực ra nó sẽ tạo thành một “rào cản” cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì từ đó nó sẽ tạo ra một loạt phát sinh, đó là những dự án mới khi bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ bị nâng giá theo; đồng thời khi Luật Đất đai năm 2024 với nhiều nội dung sửa đổi về việc tính giá đất cũng đã giúp cho giá đất tăng lên rồi... nên những nhà đầu tư đúng nghĩa họ sẽ không có khả năng để lập mới dự án.

Như vậy về lâu dài sẽ làm cho thị trường BĐS càng thiếu trầm trọng nguồn cung và tiến tới sẽ bị “đóng băng”, lúc đó chúng ta đã bị “chôn vùi” nguồn lực to lớn của tài nguyên đất. Trong dài hạn nó sẽ làm chậm tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và của cả nền kinh tế. Đây chính là vấn đề tiêu cực nhất và để lại nhiều hệ lụy nhất của việc giá đất bị đẩy lên quá cao.

Cần sớm chẩn chỉnh hoạt động đấu giá đất bỏ giá cao dẫn đến nguy cơ làm nhiễu loạn thị trường BĐS.
Cần sớm chẩn chỉnh hoạt động đấu giá đất bỏ giá cao dẫn đến nguy cơ làm nhiễu loạn thị trường BĐS.

Vậy đâu là giải pháp để xử lý vấn đề này?

- Tôi cho rằng để xử lý được vấn đề này không phải là chuyện đơn giản và cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước, quá trình này cũng cần phải có sự phân tích một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Vì chúng ta không nên khuyến khích kiểu đấu giá đất như vậy, đừng nghĩ là sẽ thu được một lượng tiền lớn cho ngân sách Nhà nước, nhưng nó ảnh hưởng đến toàn cục diện của quá trình phát triển lâu dài cho riêng khu vực đó và cho cả TP Hà Nội.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là phát triển kinh tế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước và định hướng Xã hội chủ nghĩa. Nên trong việc này, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì, cùng với đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường và TP Hà Nội phải nhanh chóng vào cuộc một cách nghiêm túc để xử lý vấn đề này.

Vấn đề trước mắt hiện nay vì các phiên đấu giá đã được tổ chức rồi, sau khi kiểm tra, rà soát lại nếu đúng quy trình và quy định của pháp luật thì chúng ta vẫn phải tôn trọng những người đã trúng đấu giá đất. Và chính quyền địa phương cần phải siết chặt việc thực hiện quy định về thời gian, trình tự nộp tiền trúng đấu giá.

Về lâu dài, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nghiên cứu sửa đổi quy định về số phần trăm (%) tiền đặt cọc khi tham gia đấu thầu, đấu giá để ngăn chặn tình trạng sử dụng chiêu trò “lướt sóng” sau đó bỏ cọc khi tham gia đấu giá. Vì quy định hiện nay là 20% tổng giá trị sản phẩm theo mức khởi điểm là quá thấp. Đồng thời cũng phải có chế tài nặng tay hơn với những đối tượng cố tình lợi dụng tình hình để làm nhiễu loạn và lũng đoạn thị trường.

Xin cảm ơn ông!