Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chậm phát triển trí tuệ là một khiếm khuyết của sự phát triển trí não. Trẻ có hoạt động trí tuệ dưới mức trung bình, hạn chế về kỹ năng thích ứng và khuyết tật xuất hiện trước 18 tuổi.

Con gái tôi 2,5 tuổi, nói được rất ít từ: bố ơi, bà ơi, mẹ, cô, đi, đây... Hỏi con gà gáy thế nào biết ò ó o, con vịt kêu cạc cạc... nhưng tay chân rất yếu, cầm nắm cái gì hoặc đi lên xuống cầu thang không được vững như các bạn.

Trước tôi cho cháu ở nhà với bác giúp việc nên việc chơi và hoạt động của bé hạn chế.  Gần đây, tôi cho cháu đi nhà trẻ thấy có tiến bộ hơn, biết nhiều từ hơn nhưng cơ bản vẫn ít nói. Cháu hay cười, chơi với các bạn rất ngoan, nhưng có vẻ chậm không lanh như các bạn.

Ở nhà cháu biết giữ đồ của bố mẹ, đồ chơi (nếu người ngoài cầm là không cho), biết phân biệt đồ của bố của mẹ, đồ của người khác không đòi. Tôi xin hỏi liệu bé nhà tôi có bị bệnh chậm phát triển trí tuệ không? Những dấu hiệu nào nhận biết trẻ chậm phát triển trí tuệ? Cách chăm bé và dạy bé  như thế nào?
(Thanh Hà, Cầu Giấy, Hà Nội)
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa: Madeformums.com.
 
 
 Trả lời:

Chậm phát triển trí tuệ  là một khiếm khuyết của sự phát triển trí não. Trẻ có hoạt động trí tuệ dưới mức trung bình, hạn chế về kỹ năng thích ứng và khuyết tật xuất hiện trước 18 tuổi. Muốn biết có chậm phát triển trí tuệ không cần gặp các chuyên gia để đánh giá bằng các công cụ đáng tin cậy. Cụ thể bằng các trắc nghiệm Vineland và các trắc nghiệm tâm vận động như Denver, WIPPSY...

Đối với bé 2,5 tuổi cần đạt được những yêu cầu sau:

+ Về ngôn ngữ: Trẻ phải nói được câu 2-3 từ, biết hình vuông, hình tròn, hình tam giác, chỉ và gọi tên được ít nhất 6 bộ phận cơ thể, bắt đầu hiểu được tính từ và gọi tên được hành động như: ăn, chạy…

+ Về phát triển vận động: Trẻ tuổi này đã biết nhảy cao tại chỗ, ném bóng qua đầu, đá được bóng về phía trước, bước lên cầu thang chân nọ nối chân kia một cách vững chãi và có thể đi giật lùi mà không ngã.

Như chị miêu tả, có lẽ cháu có một chút chậm về vận động và ngôn ngữ. Cần đánh giá chính xác hơn về môi trường ở nhà và ở trường của cháu có phải là môi trường giàu ngôn ngữ không để điều chỉnh.

Đối với những trẻ chậm phát triển trí tuệ, vai trò của bố mẹ hết sức quan trọng. Bố mẹ cần phải luôn đồng hành cùng bé trong các hoạt động, hướng dẫn trẻ từ những hoạt động nhỏ nhất, đơn giản nhất. Trong quá trình dạy trẻ bố mẹ cần hết sức kiên nhẫn và mềm mại. Với các trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, khả năng tiếp thu hạn chế, vì thế khi dạy, bố mẹ không nên dạy quá nhiều thứ một lúc và cần phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để trẻ nhớ.

Mỗi khi trẻ làm được một việc gì dù là nhỏ nhất bố mẹ cũng đừng quên khen ngợi. Sự gần gũi và yêu thương của bố mẹ cũng là một liều thuốc hết sức quan trọng để trẻ tiến bộ. Bố mẹ hãy dành thời gian cho trẻ nhiều hơn, nói chuyện nhiều với trẻ, có thể trẻ không hiểu những điều bạn nói nhưng sẽ cảm nhận được tình thương yêu từ bố mẹ.

Vào các thời gian rảnh rỗi bạn hãy kể chuyện cho trẻ nghe, những câu chuyện đơn giản về các con vật, bày các trò chơi như: trò chơi dân gian, trò chơi vận động và tham gia chơi cùng trẻ...

Bạn có thể đưa con đến thăm khám và xin ý kiến của các chuyên gia tâm lý để biết chính xác hơn về tình trạng hiện tại của trẻ, từ đó có cách thức can thiệp phù hợp nhất.

Chúc bạn thành công!