Chúc mừng năm mới

Đấu kiếm Việt Nam lên kế hoạch cho SEA Games 33

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải đấu vô địch kiếm quốc gia 2024 vừa khép lại với vị trí Nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội. Đây cũng thời điểm để đấu kiếm Việt Nam lên kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 33 và xa hơn ở Asisad 20 diễn ra vào năm 2026.

Hà Nội khẳng định vị thế số 1

Giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2024 quy tụ 200 vận động viên của 8 đoàn đến từ các tỉnh, TP, ngành trên cả nước gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh và CAND. Các vận động viên tranh tài 15 nội dung (cá nhân nam/nữ, đồng đội nam/nữ và hỗn hợp), ở 3 thể loại là kiếm liễu, kiếm ba cạnh, kiếm chém.

Khép lại giải đấu, Hà Nội giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước khi giành vị trí Nhất toàn đoàn với 8 HCV, 6 HCB và 10 HCĐ. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 2 với 2 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ. Vị trí thứ 3 thuộc về đoàn Hải Phòng với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Ban Tổ chức trao giải nội dung kiếm chém nữ tại Giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2024. Ảnh: Đình Bảo
Ban Tổ chức trao giải nội dung kiếm chém nữ tại Giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2024. Ảnh: Đình Bảo
 

Kiếm thủ Vũ Thành An (Hà Nội) đánh rơi phong độ khi không lọt vào chung kết nội dung kiếm chém cá nhân nam do thua tại bán kết nên nhận tấm HCĐ chung cuộc. Nhà vô địch nội dung này là vận động viên Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội). Tương tự Thành An, gương mặt kỳ cựu Nguyễn Tiến Nhật của TP Hồ Chí Minh chỉ có HCĐ cá nhân kiếm ba cạnh nam.

Nhìn về mặt tổng thể tại Việt Nam, đấu kiếm vẫn là môn thể thao đặc thù. Cả nước ghi nhận mới chỉ có 8 đơn vị tập trung đầu tư phát triển thành tích cao cho môn đấu kiếm gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, CAND, Bắc Ninh. Hiện tại, hai đơn vị đi đầu trong xây dựng kế hoạch chuyên môn và thực hiện đầu tư thành tích cao đối với môn thể thao này là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại giải vô địch quốc gia năm nay cũng như các giải đấu quốc tế đều có sự đóng góp lớn về lực lượng vận động viên của 2 đơn vị này.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, đấu kiếm là môn thể thao Olympic và là một trong những môn được TP Hà Nội đầu tư trọng điểm. "Thông qua Giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2024, các vận động viên có cơ hội thi đấu cọ xát, trao đổi kinh nghiêm, giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó thúc đẩy hơn nữa phong trào tập luyện môn kiếm quốc tế. Giải đấu cũng là dịp để kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, tuyển chọn lực lượng vận động viên xuất sắc cho đội tuyển đấu kiếm quốc gia, chuẩn bị cho SEA Games 33 tại Thái Lan vào năm 2025" - ông Phạm Xuân Tài cho biết.

Lên kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 33

Nhiều năm qua, đấu kiếm Việt Nam đã khẳng định được vị thế trong khu vực cũng như châu lục. Tuy nhiên, bộ môn này đang đứng trước thách thức lớn để giữ vững vị thế ở khu vực Đông Nam Á khi các nước có sự đầu tư mạnh mẽ.

Hiện tại, đấu kiếm là một trong những môn có ít giải đấu nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia của thể thao Việt Nam. Điều này khiến người trong nghề không khỏi băn khoăn về việc đảm bảo lực lượng cũng như chuyên môn cho các vận động viên.

Đấu kiếm Việt Nam lên kế hoạch cho SEA Games 33. Ảnh: Đình Bảo
Đấu kiếm Việt Nam lên kế hoạch cho SEA Games 33. Ảnh: Đình Bảo

Tại các đại hội thể thao, đấu kiếm luôn đóng góp thành tích cho thể thao Việt Nam nhưng việc vận động viên "khát" sân chơi đang là bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung của bộ môn.

Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Philippines…, các vận động viên có thể tham dự 1 - 3 giải đấu trong nước mỗi tháng ở mọi cấp độ. Điều này giúp vận động viên duy trì thường xuyên được tính thực chiến khi bước vào các giải đấu lớn.

Giải vô địch đấu kiếm quốc gia là một trong những tiền đề chuyên môn giúp Cục TDTT (Bộ VHTT&DL) nắm rõ đâu là nội dung thế mạnh để đấu kiếm có kế hoạch tập trung đầu tư xuyên suốt. Đặc biệt, Ban Tổ chức chủ nhà Thái Lan của SEA Games 33 năm 2025 công bố đấu kiếm nằm trong chương trình tranh tài chính thức với 12 bộ huy chương.

Từ nay cho đến SEA Games 33 còn hơn 1 năm, việc tổ chức xong giải vô địch quốc gia là tiền đề để đấu kiếm Việt Nam lên kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội của khu vực Đông Nam Á và xa hơn ở Asisad 20 diễn ra vào năm 2026.

“Sau giải vô địch quốc gia 2024, chúng tôi cũng sẽ có phân tích tình hình cụ thể và xây dựng mục tiêu then chốt. Từ đó, việc lựa chọn vận động viên tốt nhất cho đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ ở năm 2025 và 2026 có ý nghĩa quyết định” - Phụ trách bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) Nguyễn Hồng Đăng cho biết.