Đấu kiếm Việt Nam tăng tốc cho SEA Games 31

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đặt mục tiêu là 3 tấm huy chương vàng (HCV) tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), đấu kiếm Việt Nam đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt. Dù để hướng tới các mục tiêu tại SEA Games 31, bộ môn đấu kiếm gặp không ít khó khăn.

Những khó khăn nhìn thấy

Đấu kiếm nhận được sự chú ý rất lớn từ người hâm mộ vì đây là bộ môn từng được coi là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Ở các kỳ Đại hội trước, có thời điểm đấu kiếm mang về 8/12 tấm HCV (SEA Games 2015) của môn, trong đó đáng chú ý là 6 HCV của nam ở các nội dung liễu kiếm, kiếm chém và kiếm 3 cạnh. Đây có thể coi là thời “hoàng kim”, nhưng sau đó đấu kiếm Việt Nam không thể giữ được phong độ như mong muốn, thành tích kém dần khi chỉ giành 3/6 HCV ở SEA Games 2017 và 4/12 HCV tại SEA Games 2019.

Đấu kiếm Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước thềm SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.
Đấu kiếm Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước thềm SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.

Trong khu vực Đông Nam Á, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với đấu kiếm Việt Nam là Singapore và Thái Lan. So sánh sự chuẩn bị của các đối thủ cho SEA Games 31, rõ ràng đấu kiếm Việt Nam đang thua kém. Theo HLV trưởng Phạm Anh Tuấn, nếu như các vận động viên (VĐV) đấu kiếm của các nước được tham dự 8-10 giải đấu quốc tế trong một năm, thì các kiếm thủ Việt Nam lại chưa có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế.

“Theo kế hoạch ban đầu của Ban huấn luyện, các VĐV sẽ được tham gia tập huấn quốc tế tại Hàn Quốc, Croatia, Pháp trong khoảng từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, do lý do khách quan, kế hoạch này không thể thực hiện. Trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các kiếm thủ hầu như chỉ tập trong nước. Ngoài ra, hệ thống giải thi đấu quốc gia của đấu kiếm Việt Nam khá sơ sài, nếu không có dịch bệnh, mỗi năm chỉ có 2 giải để các kiếm thủ tranh tài” – ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ.

Vấn đề thiếu thiết bị tập luyện của đấu kiếm đã tồn tại từ lâu. Ảnh: Thành Sơn.
Vấn đề thiếu thiết bị tập luyện của đấu kiếm đã tồn tại từ lâu. Ảnh: Thành Sơn.

Bên cạnh đó, vấn đề trang thiết bị tập luyện đang là bài toán nan giải đối cả thầy và trò của môn đấu kiếm. Đây không phải là câu chuyện mới hay riêng của một kỳ SEA Games mà đã tồn tại rất lâu. Thực tế, nhiều năm qua toàn đội đấu kiếm không thể mua được đồ tập luyện: “VĐV phải tự mua hoặc đặt trên mạng như quần, áo giáp bộ nào còn mới cũng là do các VĐV tự bỏ tiền, bộ nào cũ là của vài năm trước. Thậm chí, ngay cả kiếm tập, các VĐV không được dùng đồ đạt tiêu chuẩn của Đức, phải mua kiếm do Trung Quốc sản xuất với giá dao động từ 300-400.000 đồng/thanh để dùng tạm. Tính theo mức khấu hao, một thanh kiếm như trên chỉ có “tuổi thọ” 2-3 tháng”.

Cũng theo HLV trưởng đấu kiếm Việt Nam, toàn đội phải đối mặt với hậu Covid-19 khi chỉ còn 2 trường hợp chưa nhiễm bệnh: “Mặc dù, từ đầu tháng 3/2022 toàn đội đã cấm trại, sinh hoạt, tập luyện theo mô hình “bong bóng thi đấu” nhưng các VĐV vẫn nhiễm Covid-19.  Khi quay lại tập luyện đều sa sút thể lực, hụt hơi. Đặc biệt là tâm lý các VĐV bị ảnh hưởng”.

Nỗ lực từng ngày để đạt mục tiêu

Tại SEA Games 31, đấu kiếm Việt Nam sẽ có 24 VĐV, để hướng đến hoàn thành mục tiêu 3 tấm HCV, toàn đội đã tập trung từ đầu tháng 1/2022 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh với 28 VĐV. Những cái tên được “chọn mặt gửi vàng” vẫn là tuyển thủ kỳ cựu như Vũ Thành An và lứa vận động viên trẻ, như: Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1997), Vũ Thị Hồng (sinh năm 1999), Phùng Thị Khánh Linh (2000)...

Kiếm thủ kỳ cựu Vũ Thành An sẵn sàng cho SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.
Kiếm thủ kỳ cựu Vũ Thành An sẵn sàng cho SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.

Theo kiếm thủ Vũ Thành An, dù thời gian qua không được ra nước ngoài thi đấu vì dịch Covid-19, nhưng toàn đội vẫn nỗ lực tập luyện, rèn thể lực: “Tôi vốn không phải làm về công tác huấn luyện nên bản thân chỉ có thể chia sẻ về kĩ thuật, kinh nghiệm với các VĐV trẻ, có những lúc động tác sai thì trao đổi, hướng dẫn thêm. Với cá nhân, lúc này phong độ đang ở 100%, tôi sẽ cố gắng thi đấu hết mình, phấn đấu đạt kết quả cao nhất tại SEA Games 31”.

Trong khi đó, HLV Phạm Anh Tuấn khẳng định, đấu kiếm Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua đồng thời “tăng tốc” cho mục tiêu vàng tại SEA Games 31 trên sân nhà.

“Để giải bài toán thiếu cọ xát, ban huấn luyện đã tăng cường luyện tập cho cácVĐV. Các cựu kiếm thủ đã rời khỏi tuyển cũng được mời về mặc giáp đối luyện làm “quân xanh” giúp VĐV trẻ. Tất cả huấn luyện viên khác sẵn sàng trực tiếp khoác đồ bảo hộ vào sân thi đấu. Chúng tôi xác định dùng kinh nghiệm, phương pháp xử lý trận đấu cũng như những ‘miếng đánh’ của cá nhân để chia sẻ, truyền thụ, qua đó bù đắp phần nào thiếu hụt” – HLV Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.

Đặc biệt, thời điểm này đội tuyển phải đảo nội dung, đưa các VĐV của nội dung kiếm liễu sang giao lưu với nội dung kiếm 3 cạnh để tăng cường cọ xát. Bên cạnh đó, các kiếm thủ được yêu cầu tập trung vào tập luyện kỹ thuật để nâng dần trạng thái, tránh các chấn thương không đáng có, qua đó hướng tới đạt điểm rơi phong độ vào đúng SEA Games 31.

 

Tại SEA Games 31, môn đấu kiếm sẽ thi đấu trong 6 ngày từ 13/5-18/5 tại Cung Điền kinh trong nhà (Hà Nội) với tổng cộng 12 nội dung gồm kiếm chém cá nhân nam/nữ; kiếm ba cạnh cá nhân nam/nữ; kiếm liễu cá nhân nam/nữ; kiếm chém đồng đội nam/nữ; kiếm ba cạnh đồng đội nam/nữ và kiếm liễu đồng đội nam/nữ.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần