Đa dạng hóa sản phẩm nghỉ dưỡng
Theo Tổng Cục du lịch, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sự phát triển của ngành du lịch kéo theo nhiều ngành nghề dịch vụ, trong đó thị trường bất động sản (BĐS) là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất.
Những năm gần đây thị trường BĐS du lịch – nghỉ dưỡng đang được mở rộng với sự đa dạng hóa về các loại hình sản phẩm và hướng đến lượng khách hàng ngày càng lớn, phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành du lịch và với từng đối tượng khách hàng khác nhau.
Cùng với sự phát triển của các sản phẩm lưu trú truyền thống, như: khách sạn, resort... thời gian gần đây lại xuất hiện thêm những sản phẩm mới, như: Condotel, Airbnb, homestay... trong đó sản phẩm homestay – nhà nghỉ dưỡng đang được cho là có sự bùng nổ mạnh mẽ, bao gồm cả các sản phẩm bình dân, hạng trung và hạng sang, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án BĐS du lịch bắt đầu chào bán căn hộ, biệt thự và nhà phố để nhà đầu tư thứ cấp tự vận hành và cho thuê.
Theo đó, dòng sản phẩm homestay trên toàn cầu tăng trưởng gần 5 lần trong vòng một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung. Bên cạnh đó, số lượng nguồn cung chỗ ở cũng cho thấy sự gia tăng chóng mắt với tốc độ 452%, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.
Tại Việt Nam, sản phẩm này đang tăng trưởng nhanh và sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới, đạt quy mô tăng tối thiểu 10% - 20% tổng chi tiêu thị trường lưu trú, tổng doanh thu khoảng 15 tỷ USD năm 2025.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Nguyễn Tấn Đăng Khoa cho biết, Thủ đô Hà Nội là một trong những thị trường du lịch lớn của cả nước, sản phẩm homestay vùng ven đô Hà Nội được khởi nguồn từ những năm đầu của năm 2000 với tên gọi khởi nguồn là “Nhà vườn”; với 4 thủ phủ chính là Sóc Sơn, Lương Sơn, Hòa Lạc và Ba Vì.
“Thời gian đầu nhu cầu nghỉ ngơi tại các “Nhà vườn” là dành cho những người giàu, nhưng sau này đã cuốn hút thêm nhiều người và tiếp tục phát triển từ sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 – 2009. Mặc dù khủng hoảng như vậy nhưng sản phẩm này vẫn phát triển theo hướng chuyên nghiệp” – ông Khoa cho hay.
Nhiều cơ hội và thách thức
Theo đánh giá, homestay là sản phẩm nghỉ dưỡng tương đối tiện ích, ở đây khách có thể tận dụng cơ sở vật chất và các trang thiết bị, tiện nghi sẵn có trong ngôi nhà, vừa có thể lưu trú, sinh hoạt cùng gia chủ để thỏa mãn nhu cầu lưu trú và các nhu cầu tinh thần, giao lưu… của mình trong chuyến du lịch. Ngoài các sản phẩm gắn liền với cuộc sống hàng ngày của các gia chủ, thi trong giai đoạn từ 2012 – 2017, có đến 80% các căn biệt thự được cải tạo lại và gia nhập thị trường homestay. Trong đó, khu vực ngoại ô và vùng ven đô Hà Nội là những địa điểm được nhà đầu tư quan tâm nhiều.
Lý giải về điều này, chuyên gia Nguyễn Thành Trung (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, sự phát triển mạnh của khu vực nội đô Hà Nội và hệ thống hạ tầng kết nối vùng ven đô với trung tâm đã tạo lực đẩy hình thành thị trường nghỉ dưỡng vùng ven đô. Nhưng quan trọng hơn, việc kinh doanh sản phẩm homestay đáp ứng được các giá trị cốt lõi của đầu tư BĐS nghỉ dưỡng do có lợi nhuận ổn định từ lượng khách tăng trưởng mạnh và sẵn sàng chi trả nhanh.
“Điều khiến cho người đầu tư yên tâm hơn cả đó là sản phẩm được vận hành một cách ổn định không dựa vào “sóng” của thị trường BĐS, nên khi “sóng” qua đi thì khu vực ngoại ô lại trở thành tâm điểm, giá trị sản phẩm cũng tăng trưởng khá đều đặn. Chưa có ghi nhận nào về việc sụt giảm giá của nghỉ dưỡng Ngoại ô trong thời gian vài năm qua” – ông Trung cho hay.
Với việc thói quen của khách hàng đã được định hình và nguồn cung BĐS khá dồi dào tại các khu vực ven đô, dự báo trong thời gian tới sản phẩm nghỉ dưỡng homestay sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển, góp phần tạo đột phá cho thị trường nghỉ dưỡng ven đô.
Mặc dù homestay đang có nhiều cơ hội phát triển, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng để kinh doanh hiệu quả không phải là chuyện đơn giản, liên quan đến việc cung cấp thông tin sản phẩm, chăm sóc khách hàng, quản lý vốn và nhân sự... quan trọng hơn cả là tính khách biệt của sản phẩm khi bắt tay vào kinh doanh, nếu không làm tốt được những điều này thì sẽ thất bại trong quá trình kinh doanh.
"Các hộ gia đình, cá nhân mua đất, xây homestay để cho thuê như một nhà nghỉ độc lập có không gian được thiết kế độc, lạ, bắt mắt, dành cho đối tượng chính là nhóm khách hàng trẻ tuổi. Nhưng kinh doanh sản phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lưu trú." - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) - Vũ Quang Vinh |