Đau lòng chuyện ly rượu của bố và cốc sữa của con

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo góp ý Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức sáng 11/11, các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo mối nguy hại khôn lường của việc lạm dụng rượu, bia.

Hơn thế, nhiều gia đình không có tiền mua sữa cho con trong khi phải dành tiền cho bố uống rượu. Điều này ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ, giống nòi của quốc gia.
Bệnh tật, bạo hành gia tăng
Đề cập đến nạn lạm dụng rượu, bia, bác sĩ Trần Quốc Bảo – Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra các con số khiến nhiều người phải giật mình. Theo đó, lượng tiêu thụ rượu, bia đang ngày càng gia tăng. Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến tháng 1/2016, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia (năm 2010 là 2,4 tỷ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Bác sĩ Bảo nhận định: “Hiện, không có quốc gia nào sử dụng rượu bia ở mức nguy hại cao (77,3%) như ở Việt Nam, đó là lý do vì sao tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ở nước ta ngày càng gia tăng. Nếu tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất, đây là con số rất đáng báo động và là một trong số những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ này”.
 Ảnh minh họa
Nhấn mạnh về mối nguy hại của rượu, bia, bà Vũ Thị Minh Hạnh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, tình trạng tiêu thụ rượu bia không chính thống chiếm tỷ lệ cao và gia tăng rất nhanh. Trong đó, tình trạng sử dụng rượu pha cồn công nghiệp khá phổ biến, gây nhiều tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. Hậu quả của lạm dụng rượu, bia không chỉ gây loạn thần, rối loạn bào thai, gia tăng TNGT, bạo hành mà còn là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Theo nghiên cứu về bệnh ung thư toàn cầu, khi sử dụng 12,5g rượu/ngày là nguyên nhân trực tiếp gây ra 3 loại bệnh ung thư (gồm ung thư vú, ung thư vẩy tế bào và ung thư thực quản).
Bố uống rượu, con nhịn sữa
Cũng trong sáng 11/11, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đã công bố kết quả của nghiên cứu “Ảnh hưởng của sử dụng rượu bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu bia thường xuyên tại Việt Nam”. Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, với chi phí trung bình cho rượu, bia là 733.058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này có thể mua 1,77 triệu tấn gạo, đủ để nuôi gần 21 triệu người. Cũng theo bà Hoàng Anh, trong khi những người uống rượu, bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến 1 cốc sữa/năm. Nếu số tiền mua rượu, bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống một cốc sữa/3 ngày thay vì ít hơn 1 cốc sữa/năm.
Cũng theo điều tra, có đến 57,7% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu, bia thường xuyên, không chỉ trong các dịp lễ, Tết. Đáng chú ý là những hộ giàu và có học vấn cao tiêu dùng nhiều rượu bia hơn, điều này ngược lại với kết quả tìm thấy ở các nước phát triển. Cũng chính vì chi tiêu quá nhiều cho rượu bia khiến việc chi tiêu cho y tế và giáo dục bị hạn chế đi.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, việc tiếp cận rượu bia ở nước ta quá dễ dàng. Luật hiện nay chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn vẫn được thoải mái quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường. Điều này khó hạn chế được tình trạng lạm dụng rượu, bia, khó giảm tác hại của rượu, bia.
Bà Trang cho rằng, bên cạnh những lợi ích do rượu bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm, việc lạm dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác. Do đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cần thiết phải được ban hành để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác này.
Vi phạm tràn lan
Quảng cáo rượu đã bị luật pháp cấm nhưng còn nhiều vi phạm và lách luật. Quảng cáo bia còn thả nổi vì chưa có bất kỳ chính sách nào để hạn chế quảng cáo bia. Theo điều tra của trường Đại học Y tế công cộng trên gần 700 điểm bán rượu, bia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, có tới 95% điểm bán có treo quảng cáo phía bên trong cửa hàng và 93% điểm bán có treo quảng cáo bên ngoài cửa hàng, 77% điểm báo treo quảng cáo cả trong lẫn ngoài.

Đề nghị xây dựng Luật vào năm 2017
Để ngăn chặn “nạn dịch” lạm dụng rượu, bia, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm đã đề nghị Quốc hội sớm đưa Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017 của Quốc hội. Trong đó, Luật cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo khuyến mại và tài trợ, kiểm soát bán lẻ với nội dung mạnh.