Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống thoát nước đô thị chưa theo kịp quá trình đô thị hoá và sự phát triển của các ngành dịch vụ, công nghiệp phát sinh dầu mỡ trong nước thải.
Bài 1: Những hệ lụy
Trong nước thải sinh hoạt có chứa rất nhiều thành phần khác nhau như cặn hữu cơ, dầu mỡ, chất béo… nên khi xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước, các chất này tạo thành mảng, bám trên các đường ống. Từ đó gây tắc nghẽn, cản trở dòng chảy, dẫn đến tình trạng úng ngập cục bộ khi mưa và ô nhiễm môi trường nước các sông, hồ.
“Bức tử” hệ thống thoát nước
Hệ thống thoát nước đô thị gồm đường ống chính và các tuyến ống nhánh dẫn nước thải. Hệ thống thoát nước của hộ gia đình được nối vào các tuyến ống nhánh nằm dọc các tuyến đường. Sau đó, nước thải theo đường ống chính để dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Theo thống kê, đến năm 2021, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 8.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô còn có hàng trăm cửa hàng rửa xe, gara ô tô cũng hàng ngày xả ra một lượng lớn dầu mỡ khoáng (dầu máy) cũng chảy vào hệ thống thoát nước và các dòng sông, hồ điều hoà, của TP.
Với sự phát triển của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lượng nước thải lẫn dẫu mỡ phát sinh trong quá trình chế biến thức ăn đã và đang tạo ra sức ép lớn lên hệ thống thoát nước cũng như môi trường.
Cụ thể, theo tính toán, lượng dầu mỡ thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có năng suất phục vụ từ 80 – 1.000 suất ăn/ngày là khoảng 4m3 (3,6 tấn) đến 80 – 100m3 (72 – 90 tấn)/năm.
Với số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang tăng dần theo từng năm, nếu lượng dầu mỡ phát sinh không được thu gom, xử lý kịp thời thì lượng dầu mỡ phát sinh sẽ chảy thẳng vào hệ thống thoát nước và chảy xuống ao, hồ gây cản trở hệ thống thoát nước, ô nhiễm môi trường.
Dẫu đã biết rõ hệ lụy từ việc xả thẳng dầu mỡ ra môi trường nhưng đến thời điểm này, việc hưởng ứng, chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường của không ít cơ sở trên vẫn rất hạn chế.
Nói như vậy là bởi, trong quá trình nạo vét hệ thống thoát nước TP, các đơn vị thoát nước phát hiện trong các tuyến cống rãnh, đặc biệt là khu vực các cửa hàng kinh doanh ăn uống có một lượng lớn dầu mỡ đóng thành bánh, dày tới hàng chục centimet, che lấp hệ thống rãnh thoát nước của tuyến đường.
Theo các chuyên gia môi trường, đặc trưng của dầu mỡ là nhẹ hơn nước, không tan trong nước, bị oxy hóa rất chậm và có độ kết dính cao, khi nhiệt độ nóng sẽ lỏng ra và dễ dàng xâm nhập vào đường cống bồn rửa, tuy nhiên khi ở nhiệt độ lạnh (hoặc nhiệt độ thường < 25oC) sẽ đông cứng lại, bám trên bề mặt đường ống thoát nước, tích tụ lại, đóng khối gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Nước thải chứa dầu mỡ khoáng thuộc danh mục chất thải nguy hại phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại, với hàm lượng dầu từ 0,2mg/l trong nước cũng đủ làm chết các phù du - nguồn thức ăn cho cá, tôm; đồng thời làm thối, hỏng trứng cá, tôm do tạo màng bề mặt, làm giảm lượng oxy trong nước dẫn đến chết các loài thủy sinh.
Dầu mỡ trong nước thải khi thải ra sông, hồ sẽ kết dính với nhau tạo thành mảng lớn nổi trên mặt nước, làm giảm sự quang hợp của các loài thực vật sống dưới nước, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn chung của hệ sinh thái, gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và nguồn đất tiếp nhận, gây tác động xấu đến sức khỏe con người.
Chưa kể, khi trời mưa, dầu mỡ tràn từ hố ga lên mặt đường gây nên tình trạng trơn trượt, mất an toàn và dễ gây tai nạn giao thông, làm chậm khả năng tiêu thoát nước dẫn đến tình trạng ngập úng khi trời mưa.
Chị Nguyễn Hoài An, phường Khương Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ, hiện nay, không ít nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các quán ăn vỉa hè, khi xử lý đồ ăn thừa của khách chỉ giữ lại thức ăn để bán cho các cơ sở chăn nuôi còn nước dùng, canh thừa… đổ thẳng xuống hệ thống thoát nước, thậm chí là ra vỉa hè, lòng đường. “Chỉ cần thiếu quan sát, vô tình di chuyển vào những khu vực có dầu thải… tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào” – chị Nguyễn Hoài An chia sẻ.
Những hệ lụy dài lâu với môi trường
Theo các chuyên gia môi trường, dầu mỡ thải là dầu mỡ động/thực vật có lẫn các hóa chất, dung dịch tẩy rửa trong nước thải phát sinh của quá trình sản xuất, kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến thực phẩm, giết mổ gia cầm, gia súc…
Khi lượng dầu mỡ này không được thu gom, xử lý đúng cách, chảy thẳng ra môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của con người và các loại động, thực vật khác.
Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái - chuyên gia về môi trường cho rằng, nước thải ngấm dầu mỡ không được xử lý kịp thời lâu ngày có khả năng ngấm vào đất hoặc bị cuốn theo nước mưa vào các tầng nước ngầm làm cho nước có mùi hôi, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe của con người.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường chia sẻ, không chỉ dầu mỡ xuất phát từ các nhà hàng, quán ăn… hiện nay, môi trường sống của chúng ta cũng đang phải đối mặt với các loại dầu mỡ, dầu thải của các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện.
“Những loại dầu mỡ này nếu không được xử lý đúng cách, bị đổ trộm, đổ thẳng ra mỗi trường, vào hệ thống thoát nước… sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước, đất, hệ sinh thái trong nước, những khu vực xung quanh và vụ đổ trộm dầu thải tại Nhà máy nước sạch sông Đà là một ví dụ điển hình” – một trong chuyên gia trong lĩnh vực môi trường nhấn mạnh.
Còn nhớ, đầu tháng 10/2019, suối Trầm (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) – một trong những nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà đã bị một số đối tượng đổ trộm dầu thải chưa qua xử lý. Vụ việc trên đã khiến hàng trăm ngàn người dân tại Thủ đô Hà Nội rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt để sử dụng trong nhiều ngày.
(Còn nữa)