Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dâu mới lo sắm tết đầu tiên ở nhà chồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bà Len đứng ngồi không yên, năm hết tết đến bà lại phải đi mổ và nằm một chỗ dưỡng bệnh, sợ con dâu mới không lo nổi cho cái tết đầu tiên bên nhà chồng được chu toàn.

KTĐT - Bà Len đứng ngồi không yên, năm hết tết đến bà lại phải đi mổ và nằm một chỗ dưỡng bệnh, sợ con dâu mới không lo nổi cho cái tết đầu tiên bên nhà chồng được chu toàn.

Chị Hà con dâu bà vừa chân ướt chân ráo về làm dâu được mấy tháng. Hà là con gái duy nhất của gia đình công chức trên thành phố, sống sướng từ nhỏ nên chưa phải lo bất cứ việc gì. Tốt nghiệp Đại học chị vào làm ngân hàng. Sau khi lấy anh Hùng, con trai bà Len, chị cũng chưa phải nấu bữa cơm gia đình nào, hàng ngày chỉ việc mặc đẹp, đi xe đẹp tới cơ quan, tối về mẹ chồng đã tươm tất từ A đến Z. Được cái bà Len rất yêu con trai và chiều con dâu.


Giờ thấy mẹ chồng lo, chị Hà trấn an: “Ôi trời! Mẹ cứ yên tâm dưỡng bệnh, Tết nhất để con lo. Một ngày đi siêu thị sắm là đủ tất. Bây giờ chả thiếu thứ gì, chỉ thiếu mỗi hàng tiền thôi mẹ ạ”.

 

Bà Len bảo con dâu: “Năm nay mẹ ốm không gói bánh chưng được, gần Tết con mua mấy cân gạo nếp mang sang nhờ chú thím gói rồi nấu luôn cho. Hôm nào được nghỉ, ra chợ mua cho mẹ cân hành củ làm dưa muối. Ngày tết mà ăn dưa hành, giò mỡ, bánh chưng thì nhất đấy...”.

 

Mẹ chồng chưa nói hết câu chị Hà xen ngang: “Mẹ ơi!Bây giờ có như ngày xưa chỉ chờ mấy ngày Tết mới được ăn ngon đâu. Mẹ không cần cầu kì quá làm gì cho mệt, con đã nhờ mẹ con đặt cho ba cặp bánh chưng rồi. Bánh thành phố ngon lắm mẹ ạ. Thờ mỗi chỗ một cặp, còn bánh các chú thím mang đến lễ thì để ăn cũng được. Dưa hành mình làm không ngon bằng ở quán đâu, ăn sẽ bị hôi. Thôi khi nào về nghỉ Tết con mua cho mẹ một ít ăn dần”.

 

Bà Len thấy chạnh lòng. Nhưng thiết nghĩ con dâu mới về, lại quen cuộc sống cái gì cũng tiện, cũng sẵn trên thành thị nên chép miệng “dạy dần”.

 

Mới đầu tháng 12 âm, chị Hà đã vác cả một taxi đồ về nhà, nào là sủi cảo, cá ba sa, thịt hun khói... Chờ con dâu mang hết đồ ra mà bà Len không thấy có gạo nếp. Bà nóng cổ lớn tiếng:

 

“Các anh chị sinh ra và lớn lên từ đâu? Giờ có tiền cái gì cũng sẵn, tôi người Việt dân dã không quen dùng đồ tây. Mang hết đi. Bao nhiêu năm nay có cái tết nào mà nhà ta không quây quần bên nồi bánh chưng, kể chuyện vui, chuyện buồn. Các cụ đã bao năm đón cái Tết cổ truyền mà không thể thiếu được dưa hành, giò mỡ, bánh chưng...”.

 

Rồi bà rớm nước mắt:

 

“Thằng Hùng lên ba đã không còn bố. Một thân một mình mẹ già con côi, nhưng thâm tâm mẹ lúc nào cũng một mực phụng dưỡng gia đình nhà chồng,nuôi con khôn lớn ăn học nên người. Mẹ biết thời các con bây giờ khác nhiều các mẹ ngày xưa, nhưng con ơi, cái Tết cổ truyền thì mẹ con ta không được phép đi ngược lại với tổ tiên, dòng họ. Đặc biệt ở quê ta, tết mà không gói lấy mấy cặp bánh chưng thờ tổ tiên thì bị gán cái tội bất hiếu. Đất có lề, quê có thói, các con phải ghi nhớ”.

 

Chị Hà như hiểu ra: “Con xin lỗi mẹ! Tết năm nay con sẽ mang gạo sang nhờ chú thím dạy gói bánh chưng mẹ ạ. Mấy bữa nữa con mua hành củ, mẹ dạy con cách làm dưa mẹ nhé”.