Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu năm, giá thép đi xuống, tiêu thụ kỳ vọng tăng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đều gia tăng sản lượng thép thành phẩm (thép xây dựng và thép cuộn cán nóng). Giá thép có xu hướng giảm, tuy nhiên, tiêu thụ lại được kỳ vọng tăng do tín hiệu phục hồi bất động sản và thúc đẩy đầu tư công.

Giá thép giảm- vì sao?

Ghi nhận giá thép thế giới ngày 10/4 vào lúc 6 giờ 30 sáng (theo giờ Việt Nam), giá thép giao tháng 5/2024 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 27 nhân dân tệ lên mức 3.358 nhân dân tệ/tấn. Mức giá này tuy có tăng nhẹ so với phiên giao dịch ngày hôm qua (9/4) nhưng vẫn giảm tới gần 10% so với giá một tuần trước đó.

Giá thép trong nước năm 2024 dự báo sẽ tăng nhẹ. Ảnh minh họa
Giá thép trong nước năm 2024 dự báo sẽ tăng nhẹ. Ảnh minh họa

Tại thị trường trong nước, giá thép cuộn CB 240 và giá thép thanh vằn đều giảm 100 đồng/kg so với phiên giao dịch ngày hôm qua (9/4), thấp nhất 13.940 đồng/kg và cao nhất là 14.630 đồng/kg. Cụ thể, giá thép thép Hoà Phát hôm nay giảm 100 đồng/kg, với dòng thép cuộn CB240 xuống mức 14.040 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 xuống mức 14.430 đồng/kg.

Giá thép Việt Ý, với dòng thép cuộn CB240 giảm 100 đồng/kg, xuống mức 14.040 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 cũng giảm 100 đồng/kg, xuống mức 14.540 đồng/kg. Giá thép Việt Đức với dòng thép cuộn CB240 giảm 100 đồng/kg, xuống mức 13.940 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 10 đồng/kg, xuống mức 14.630 đồng/kg. Giá thép Việt Nhật (VJS), với dòng thép CB240 giảm 100 đồng/kg, xuống mức 14.110 đồng/kg, với dòng thép D10 CB300 duy trì ở mức 14.310 đồng/kg.

Giá thép Kyoei Việt Nam (KVSC) với dòng thép cuộn thép cuộn CB240 giảm 100 đồng/kg, xuống mức 13.970 đồng/kg, với dòng thép thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng/kg, xuống mức 14.270 đồng/kg. Giá thép Việt Mỹ (VAS), với dòng thép cuộn CB240 ổn định ở mức 14.110 đồng/kg, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ổn định ở mức 14.210 đồng/kg.

Như vậy, trong 10 ngày đầu tháng 4/2024, các nhà sản xuất tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép cuộn xây dựng thêm 100.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm giá thứ ba của thép cuộn tính từ đầu năm 2024 cho tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.

Diễn biến giảm giá của thị trường thép xây dựng nội địa năm nay đến sớm hơn so với 2 năm gần đây. Đơn cử như năm 2023 xu hướng giảm giá bắt đầu từ tháng 4, năm 2022 giảm giá bắt đầu từ tháng 5. Trong khi đó năm 2021 giá lại giảm trong tháng 2, tháng 3 và tăng trở lại từ tháng 4. Nhìn chung, thị trường thép những năm gần đây hầu như không diễn ra theo thông lệ, biến động khó lường và khó dự báo.

Nhiều chuyên gia nhận định, giá thép xây dựng được các nhà sản xuất điều chỉnh bám sát theo diễn biến giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới. Tuy nhiên biên độ biến động giá của các nguyên liệu không đồng đều, gây khó khăn cho công tác dự báo và nhận định thị trường.

Thị trường chịu nhiều áp lực

Mặc dù hiện tại là bắt đầu bước vào mùa tiêu thụ cao điểm, tuy nhiên nhu cầu thép chưa có tín hiệu cải thiện đáng kể đã khiến các doanh nghiệp thép trong nước phải điều chỉnh giảm giá liên tiếp. Bên cạnh đó, giá thép Việt Nam thường diễn biến đồng pha với giá thép Trung Quốc. Do vậy, trong bối cảnh giá thép và giá nguyên liệu thô sản xuất thép là quặng sắt của Trung Quốc liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng góp phần gây áp lực lên giá thép nội địa.

Thị trường thép Việt Nam đang chịu áp lực từ thị trường thép Trung Quốc. Ảnh minh họa
Thị trường thép Việt Nam đang chịu áp lực từ thị trường thép Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, năm 2024, thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng). Trong đó, không chỉ cạnh tranh về bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa, thép Trung Quốc còn ảnh hưởng đến giá thép Việt Nam, bởi có sự tương quan cao giữa hai thị trường. Các nhận định thận trọng về triển vọng ngành thép được đưa ra trong bối cảnh giá thép thế giới có diễn biến giảm, đồng thời áp lực thép giá rẻ ở Trung Quốc đưa sang Việt Nam gia tăng.

 

Trong năm 2023 giá thép duy trì xu hướng giảm (giảm khoảng 10% so với năm 2022. Đến cuối năm 2023, giá thép mới bắt đầu tăng nhẹ ở mức 13.900 - 14.600 đồng/kg và đến thời điểm này dù diễn biến tăng giảm có nhưng vẫn giữ mức giá dao động như này (tương đương 13,9 -14,6 triệu đồng/ tấn).

Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho rằng, năm 2024 thị trường thép trong nước sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, áp lực từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Năm ngoái, nước này xuất khẩu hơn 90 triệu tấn thép và dự kiến có thể tăng lên 100 triệu tấn trong năm nay. Rõ ràng, nhiều nước đang dựng hàng rào với Trung Quốc. Nếu Việt Nam không có biện pháp phòng vệ thương mạng xứng đáng, chắc chắn với vị trí ngay sát Trung Quốc, áp lực thép nước này đổ vào thị trường nội địa rất lớn.

Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Mã vụ việc ER01.AD02. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này.

Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam Nguyễn Đức Dũng nhìn nhận, nhu cầu thép trên thế giới còn hạn chế cũng tạo áp lực lên giá thép trong nước. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 13 trên thế giới. Trong thời gian qua, các nhà sản xuất cũng không khỏi chật vật vì phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc.

Giá thép sẽ tăng 6 -7% trong năm 2024

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép tại thị trường trong nước năm nay dự kiến sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt 21,6 triệu tấn. Trong đó, đóng góp chính đến từ sản lượng thép xây dựng (chiếm 45% sản lượng toàn ngành) với mức tăng 8%.

Công ty Chứng khoán MBS (MBS Research) dự báo, giá thép xây dựng trong nước năm 2024 sẽ tăng 6% so với năm 2023, lên mức trung bình 15 triệu đồng/tấn. Đối với thép cuộn cán nóng (HRC), nhu cầu tiêu thụ nội địa hồi phục và xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao tác động tích cực đến giá HRC trong giai đoạn 2024 - 2025. MBS Research dự báo, giá thép HRC trong năm 2024 tăng 7% so với năm 2023, đạt mức 660 USD/tấn.

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán FPT cũng nêu rõ: dự báo sản lượng sản xuất thép thô và nhóm sản phẩm thép năm 2024 sẽ lần lượt đạt mức 19,15 triệu tấn và 28,36 triệu tấn, tăng 7,16% và 6,76% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng sản phẩm thép năm 2024 ước tăng lần lượt 8,68% và 5,19% năm 2024, qua đó tạo dư địa cho các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2024, ngành thép sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc. Theo đó, nước này đang hướng tới sản xuất thép chất lượng và đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, do vậy, nhu cầu thép phế liệu tăng lên.

Khuyến cáo về vấn đề này, Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Đỗ Nam Bình cho hay, ngành thép sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, trong đó trước mắt là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU. Cơ chế này sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Từ 1/10/2023 chính sách bắt đầu có hiệu lực. Cơ chế này ảnh hưởng nhiều đến mặt hàng thép HRC của Việt Nam và các nước ASEAN.

Vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp thép nội địa cần trung vào một số giải pháp quan trọng như tăng cường công tác tìm hiểu, theo sát diễn biến nhu cầu thị trường để từ đó có các kế hoạch chuẩn bị kịp thời và chủ động trong năm 2024. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, cải tiến phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất xanh. Cùng với đó là minh bạch trong quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay.

 

Để hỗ trợ ngành thép hồi phục và phát triển, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường ngành thép trong nước. Cùng với đó, Bộ phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành để tận dụng cơ hội thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn, từ đó thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước. (Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung)