Đầu năm vào hàng bún chả ăn…tiệc buffet

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỏi mắt tìm quán cơm, phở bình dân là tình trạng chung của dân công sở ngày đầu năm.

Thậm chí, tại một quán bún, khách chỉ được phục vụ bàn chứ không có ghế và người ăn phải đứng ăn bún chả như đi ăn buffet.

Ăn tiệc đứng

Đó là câu chuyện ở một cửa hàng bún chả ở Cầu Giấy, Hà Nội vào trưa 2/10. Một quán bún chả quy mô không lớn nhưng hàng chục khách vẫn rồng rắn kéo đến với tâm lý sẵn sàng chờ đợi vì những hàng quán khác chưa mở hàng.

Khi các bàn ghế nhựa được trưng dụng hết mà vẫn chưa đáp ứng đủ chỗ cho khách, chủ quán đã nhanh trí khiêng nốt chiếc bàn học của cô con gái ở trong nhà ra vỉa hè để lấy thêm chỗ ngồi.

Đầu năm vào hàng bún chả ăn…tiệc buffet 1
Chán bánh chưng, giò chả thì các món bún và cơm rau bình dân là lựa chọn của nhiều người

Tuy nhiên cái bàn này khá cao nên không thể ngồi bằng ghế nhựa (loại bé). Loay hoay một lát vẫn chưa thấy phục vụ đưa ghế ra thì nhóm khách nhận được câu trả lời: “Chỉ có bàn chứ không có ghế”.

Một vị khách đứng gần dở khóc dở cười hỏi: “Không có ghế chúng tôi ăn đứng à?”. Một anh khách hóm hỉnh: “Kiểu này là ăn tiệc đứng, tiệc buffet “sang chảnh” đây”.

Tại quán bún chả này, một nhóm khách khác gồm 7 người chờ quá lâu mà không thấy đồ ăn được đưa ra, một chị trong nhóm đã phải nói khó với chủ hàng: “Nhóm này có chị mang bầu anh ạ. Chờ nãy giờ chưa có gì ăn thằng bé đói đạp liên hồi trong bụng mẹ rồi, anh không cho ăn chị ấy ngất xỉu ra đấy”.

Cuối cùng bà bầu cũng được chủ quán ưu tiên một suất ăn trước còn những người trong nhóm vẫn tiếp tục điệp khúc…chờ.

Anh Phạm Sử làm việc ở đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, cho biết, sau ngày Rằm tháng Giêng quán cơm hợp thường phục vụ cho công ty anh mới mở hàng nên cả công ty mấy hôm nay đều vật vờ tìm chỗ ăn trưa.

“Mấy hôm đầu mọi người kéo sang nhà người này người kia chúc Tết rồi ăn trưa luôn. Mấy chị phòng hành chính còn mang bánh chưng, giò đi đang chất đầy trong tủ lạnh của công ty nhưng quá ngán nên không ai ăn nổi. Đầu năm muốn tìm bát cơm, rau củ ăn cho chắc bụng mà khó quá”, anh nói.

Anh Nguyên, nhân viên ở Thái Hà, Đống Đa, nói: “Thường ngày chúng tôi hay đùa nhau là dịch vụ ở Hà Nội “gọi món thì lâu, tính tiền nhanh” nhưng xem ra những ngày đầu năm đến trả tiền cũng phải đợi”.
Đầu năm vào hàng bún chả ăn…tiệc buffet 2
Cảnh đông đúc thường thấy ở các quán bình dân ngày đầu năm

Theo anh Nguyên, công ty anh đi ăn trưa tại một quán bún riêu nhưng quá giờ nghỉ trưa vẫn phải chờ món ăn.

Thấy thế một số chị em trong công ty đã nhảy vào quán với phương châm “tự túc là hạnh phúc” như tự lấy bún, rau…bê ra bàn. Đến khi ăn xong cả công ty vẫn tiếp tục đợi để trả tiền vì thu ngân của quán cũng đang phải huy động bưng bê đồ ăn cho các bàn khác.

Thuê đánh giày, xe ôm bê đồ ăn

Cũng ở khu vực Cầu Giấy, tại một quán bún ngan khác, vì nhân viên nghỉ Tết chưa chịu lên thành phố để đi làm nên chủ quán đã huy động cả người nhà ra làm việc.

Trong khi vợ con rửa bát, dọn hàng thì bà mẹ 70 tuổi của chủ quán cũng phải kiêm luôn nhiệm vụ thu tiền.
Đầu năm vào hàng bún chả ăn…tiệc buffet 3
Dù đã đặt thêm bún để phục vụ khách nhưng quán một quán bún ở đường Trần Quý Kiên, Cầu Giấy cũng nhanh chóng hết hàng

“Khổ nhất là bà cụ bị đãng trí, vào quán chưa kịp ăn bà đã thu tiền chúng tôi. Khi ăn xong đứng lên đi thì bà nằng nặc bảo “chúng mày chưa trả tiền”. Cuối cùng nhờ quen mặt ông chủ quán nên chúng tôi mới được đi”, một vị khách phàn nàn.

Khi huy động cả nhà vẫn chưa đủ, quán bún ngan này còn nhờ cả anh đánh giày và 2 người xe ôm thường đợi khách ở gần quán đang rỗi việc vào bưng bê bún cho khách.

Anh Lê Hà, chủ một quán cơm bình dân ở Ba Đình, Hà Nội, cho biết, quán anh có thuê 5 nhân viên nhưng 3 người xin nghỉ đến sau Rằm.

“Có em nói là đầu năm ở quê lắm hội hè phải tham gia hết, có đứa thì ở nhà đang vụ mùa nên phải xong việc nhà nông mới quay lại thành phố được dù tôi đã hứa tăng thêm tiền những ngày này”, anh Hà nói.

Thay vì trông chờ nhân viên, anh Hà đã huy động người nhà và thuê tạm những người bán rong ở gần đó để phục vụ bưng bê, rửa chén.

Tuy nhiên chủ quán này vẫn than: “Dù trả tiền thuê cao hơn nhưng toàn người không quen nên bưng bê, rửa bát nên khách phải chờ lâu hay được phục vụ cả những thứ …không gọi là chuyện bình thường”.

"Đông khách nên chỉ hơn 12h trưa là quán đã hết sạch hàng để bán. Chúng tôi cũng không nhận điện thoại của các công ty lân cận đặt hàng trước hay phục vụ tận nơi như thường ngày vì vừa thiếu hàng lại thiếu cả nhân viên", anh Hà cho biết thêm.

Mặc dù giá nguyên liệu không tăng nhưng mất thêm tiền thuê nhân viên nên nhiều cửa hàng đã không ngần ngại tăng giá từ 10 -20 %. Trong đó có cửa hàng còn ghi thông báo “Tăng giá đến hết ngày Rằm sau đó giá cả sẽ trở lại bình thường vì thiếu nhân viên” để tìm sự thông cảm từ khách hàng.