Dâu phố!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở vùng quê ngoại thành nơi tôi sinh sống, trai ngoài 30 mà chưa lấy vợ, coi như bị ế. Vậy mà sang tuổi… “băm gần chục nhát”, anh Thịnh mới có “tấm” người yêu dẫn về ra mắt bố mẹ. Một vài tháng sau, tin anh Thịnh lấy vợ bay đi khắp làng trên xóm dưới.

Trong nhà, ngoài họ, ai cũng mừng vì Thịnh lấy được vợ. Mừng hơn nữa là vợ Thịnh lại là gái phố, có trình độ học thức. Và người mở cờ trong bụng là ông bà Đăng - bố mẹ Thịnh…

Lễ cưới kéo dài rình rang, làng trên - xóm dưới đến chung vui và hết lời khen ông bà Đăng kén được dâu trẻ, anh Thịnh lấy được vợ xinh. Thời buổi hiện đại, nên việc trai gái “ăn kem trước cổng” là điều hết sức bình thường; vợ chồng Thịnh cũng không ngoại lệ. Cưới nhau ngoài nửa năm, ông bà Đăng đã có cháu đích tôn. Niềm vui được nhân đôi, khi trong căn nhà cổ năm gian hàng ngày có thêm tiếng trẻ con khóc.

Vài năm sau Linh (vợ Thịnh) lại có bầu, và sinh con thứ 2 là một bé gái. Dẫu “không được 10 điểm”, vậy nhưng ai cũng khen Thịnh… chậm mà chắc, bởi nếp tẻ đủ đôi!

Thời gian trôi đi nhanh lắm, thoắt cái Thịnh lấy vợ đã ba năm có dư.

Trong ba năm đó, căn nhà nhỏ luôn ngập tràn tiếng cười của trẻ thơ, tiếng ầu ơ của người già. Thịnh chí thú làm ăn, không còn rượu chè, bù khú với đám bạn “ắc ê” như trước. Nhưng ngày vui chẳng tày gang, chỗ Thịnh làm công việc buổi được, buổi mất; anh chàng bắt đầu đi sớm về muộn, thu nhập thất thường. Nhưng việc đó cũng chưa ảnh hưởng mấy đến bầu không khí gia đình; rạn nứt bắt đầu từ vợ Thịnh.

Vốn là gái hàng phố, gia đình có điều kiện nên Linh được nuông chiều từ bé. Mọi việc từ nấu nướng, vệ sinh nhà cửa đều có người lo. Ba năm đầu về nhà chồng, do sòn sòn “tòi” ra hai nhóc tì, nên mọi việc cô ả đều chẳng phải đụng tay, bởi đã có bà Đăng cáng đáng.

Nhưng sau từng đấy thời gian “hầu” con dâu và cháu nội, bà Đăng bắt đầu giao việc nhà cho con dâu, “cho nó quen dần”, bà lão giải thích. Bởi ở đâu thì không biết, chứ cái làng này - nội công gia chánh là tiêu chí đầu lúc người ta chọn con dâu.

Bữa đầu tiên Linh đi chợ, mớ rau, con cá cô chọn đã không vừa mắt bà Đăng; nồi cơm chín không “nục”, cái bát rửa chưa sạch “kin kít”… cũng được bà lão bỏ qua. Nhưng sau vài tháng, đức hạnh của Linh vẫn không khá lên, bà Đăng bắt đầu ấm ức.

Trong một mớ cái tức (theo cách nói của bà lão), là thói ngủ lười. “Ai đời mùa Hè đến rồi mà nó ngủ đến khi mặt trời lên 2 cây sào vẫn chửa thèm dậy”. Mẹ ngủ kéo theo thói quen của 2 đứa trẻ, thành ra cháu bà mất bữa sáng. Chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa lại đến tay già.

Nhà đầu họ, nhưng ngày rằm, ngày lễ, tổ tiên ông bà cấm được bông hoa, nén nhang. Dẫu ấm ức, nhưng bà Đăng vẫn cố nhịn và đôi lần khuyên bảo con dâu. Nhưng vốn dĩ được nuông từ bé, nên con dâu bà… có nghe mà không chịu học theo.

Linh bắt đầu cãi trả mẹ chồng, sau đôi lần khuyên nhủ mà vợ “luôn luôn lắng nghe - lâu lâu mới hiểu”, Thịnh đâm buồn và có xu hướng… lấy rượu làm bạn! Gia đình đôi bên thông gia đã phải bước vào “đàm phán” để tìm cách uốn nắn Linh, nhưng thói đời “tre già khó uốn”.

Linh vẫn chứng nào tật ấy, ngủ lười, lười việc nhà và đoảng trong nội trợ. Khổ nhất là hai đứa nhỏ, do Linh áp dụng cách nuôi con… trên mạng nên chúng cứ như hai cái dải khoai, xanh và gầy yếu. Xót cháu, nhưng bà Đăng rất khó can thiệp, bởi con nó đẻ ra. Nhiều lúc bà lão thở dài…