Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đâu rồi “kiến trúc sư trưởng” thể thao?

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải đến khi Ánh Viên, người từng được báo chí quốc tế ca ngợi là Iron Women, thi đấu không thành công tại giải bơi vô địch thế giới 2019 vừa diễn ra tại Hàn Quốc mới đây người ta mới giật mình. Phải chăng thể thao Việt Nam đang thiếu một “kiến trúc sư trưởng” đúng nghĩa?

Lâu nay, trước các sự kiện thể thao lớn như Asiad 2018, trước Olympic Rio de Janeiro 2016 hay trước nhiều sự kiện thể thao tầm châu Á và Olympic nhiều thập kỷ qua, thể thao Việt Nam thường có chiến lược đầu tư với chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Định hướng thì đúng
Nghĩa là do không đủ kinh phí dàn trải, Bộ VHTT&DL sẽ lựa chọn ra các HLV và vận động viên (VĐV) để đầu tư trọng điểm. Họ sẽ được hưởng chính sách đặc thù về chế độ dinh dưỡng, tiền công, chăm sóc y tế, thực phẩm chức năng, trang thiết bị luyện tập, thi đấu để phục vụ mục tiêu đặt ra.
 Kể từ sau Olympic 2016 ở Brazil, suốt hơn 2 năm qua kình ngư số 1 Việt Nam Ánh Viên tụt dốc không phanh.
Cụ thể để chinh phục mục tiêu SEA Games 30 và kiếm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020 trong vòng 9 tháng (kể từ ngày 15/3 đến ngày 15/12), sẽ có 27 huấn luyện viên (HLV) và 66 VĐV thuộc diện tài năng được ngành tập trung đầu tư TDTT đầu tư.

Đây là phương án của “con nhà nghèo” và được xem là tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Nhưng không ít người trong cuộc cho rằng việc mới dừng lại ở việc phân chia nguồn kinh phí, rồi phó mặc cho các HLV, VĐV là cách làm bao cấp, thời vụ và có tính đối phó.
Khi VĐV có dấu hiệu rơi rớt thành tích, sa sút chuyên môn thay vì phân tích, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp họ bị loại dần khỏi cuộc chơi, giống như kiểu bị “vắt chanh bỏ vỏ”. Đây cũng khiến cho nhiều tài năng chán nản, sớm bỏ cuộc chơi.
Nhưng triển khai…
Những người có trách nhiệm của thể thao Việt Nam hình như chưa bao giờ kiểm tra các HVL, VĐV xem họ cần gì. Ánh Viên là một ví dụ cụ thể, mỗi năm kình ngư này tiêu tốn 180.000/280.000 USD dành cho môn bơi lội (không kể 40.000 USD của ngành TDTT quân đội). Ánh Viên là một trong những tuyển thủ thể thao được nhà nước và quân đội đầu tư rất cao khi đưa sang Mỹ tập luyện dài hạn từ đầu năm 2012 đến nay.
Sự đầu tư lớn này, bước đầu Ánh Viên đã đem về được nhiều thành tích lớn cho đoàn thể thao Việt Nam. Hai kỳ SEA Games liên liếp 2015 và 2017, số lượng HCV của Ánh Viên đoạt được đã hơn 1/10 tổng số HCV của đoàn Việt Nam. Đấy là chưa kể số huy chương ở các đại hội thể thao châu lục khác.
Thể nhưng kể từ sau Olympic 2016 ở Brazil, suốt hơn 2 năm qua kình ngư số 1 Việt Nam tụt dốc không phanh. Thành tích mới tại Giải vô địch bơi lội thế giới 2019 ở Hàn Quốc vừa qua đã hầu như chạm đáy, báo động.
Ở 200m hỗn hợp, nội dung Ánh Viên từng vào bán kết năm 2015, cô chỉ về đích với thời gian 2’17”79, kém xa so với thành tích 2’13”36 ở giải 2017. Còn ở 400m tự do (nằm trong tốp 10 vòng loại) cô cũng chỉ đạt 4’13”35, kém rất xa so với kỷ lục của bản thân (4’7”96).
Ngay cả trong cự ly sở trường 400m hỗn hợp, nội dung mà tại Olympic Rio 2016, Ánh Viên từng về đích thứ 9 vòng loại với thành tích xuất thần 4’36”85, tuy nhiên lần này cô phải mất đến 4”47”96, kém tới 5”15 so với ở Asiad một năm trước. Không chỉ không đạt cả chuẩn B tham dự Olympic 2020 (4’46”89), đây còn là thành tích tệ nhất của tay bơi quân đội trong 6 năm qua, thậm chí còn kém đến gần 1 giây so với thành tích “tệ” nhất của cô khi mới 17 tuổi ở Giải vô địch thế giới năm 2013.
Để lại nỗi lo
Như vậy, cơ hội đến Tokyo 2020 với Ánh Viên chỉ còn trông chờ vào các giải đấu thuộc FINA World Cup và cả SEA Games 2019 (cũng được tính vào hệ thống vòng loại Olympic).
Tuy nhiên, với phong độ thất vọng này ngay cả việc bảo vệ 7 tấm HCV SEA Games tại Philippines cuối năm nay của nữ kình ngư cũng hết sức khó khăn. Điều gì khiến Ánh Viên, một VĐV mới 23 tuổi, độ tuổi “chín” của môn bơi lội lại có thành tích chững lại.
Đầu tiên là phương án tập luyện xa nhà 1 thầy, 1 trò của HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên đã bộc lộ lo lắng. Nhiều lần Ánh Viên đã rơi vào trầm cảm vì sức ép thành tích quá lớn và từng muốn xách vali về nước, kết thúc sự nghiệp bơi lội của mình. Thông thường, VĐV đỉnh cao chỉ duy trì phong độ trong một độ tuổi nhất định. Khi chạm ngưỡng, thành tích sẽ giảm dần theo thời gian, muốn duy trì thành tích các HLV phải có phương pháp tập luyện mới.
Giới chuyên môn cho rằng HLV Đặng Anh Tuấn từ lâu đã tới giới hạn năng lực chuyên môn, chỉ đóng vai trò “người thầy tinh thần” hơn là người làm nghề. Vai trò của HLV người Mỹ được thuê như thế nào thì đến ngay ông Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 Nguyễn Trọng Hổ cũng cho biết là chỉ được biết qua báo cáo gửi về.
Nói về sự đầu tư, Ánh Viên từng tâm sự: “Mỗi lần đi thi đấu ở các đại hội thể thao lớn, không dám so với các đội tuyển Mỹ, Úc, Trung Quốc làm gì, chỉ cần nhìn đội tuyển bơi của Nhật, Hàn Quốc hay Singapore mà tôi thèm thuồng và mơ ước. Họ có một đội ngũ y tế giúp cho việc hồi phục của VĐV cực tốt. Trong lúc bọn tôi đi thi đấu, hầu như các HLV hoặc đồng đội tự xoa bóp hồi phục cho nhau. Mà giờ tôi đã 23 tuổi rồi nên không còn khỏe và hồi phục nhanh như lúc 19 - 20 tuổi nữa!”.

Mà trong thể thao không chỉ trường hợp của Ánh Viên, đối với các tài năng khác như Lê Tú Chinh, Quách Công Lịch, Trần Huệ Hoa, Nguyễn Trọng Hinh (điền kinh), Hoàng Quý Phước, Nguyễn Diệp Phương Trâm, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi (bơi lội), Hà Ngọc Diễm, Nguyễn Hoàng Thương (bóng chuyền) và khả năng phát triển của họ cũng hoặc đang khựng lại, hoặc mai một theo thời gian.