Đâu rồi lá chuối, lá sen?

Đinh Thành Trung (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây vài năm, rộ lên phong trào giảm sử dụng túi nilon khi đi chợ. Ai cũng hào hứng với chương trình này. Tôi nhớ khi đó các bà, các mẹ cầm làn, túi vải đi chợ với những nụ cười tươi.

Chỉ được một thời gian vì không thực tế

Khi ấy, các hàng quán ở chợ truyền thống rất tích cực gói hàng cho khách bằng bao bì thay thế rất dễ thương: Những chiếc lá chuối và lá sen. Các sản phẩm từ thiên nhiên phát huy tác dụng và không gây hại đến môi trường. Các siêu thị cũng hưởng ứng phong trào, giảm mạnh đưa khách túi nilon và thay vào đó là những chiếc túi giấy, túi vải. Khách mang sẵn túi từ nhà còn được tặng chút quà nho nhỏ. Mọi người đều vui vì đã góp phần nhỏ bé vào bảo vệ môi trường.

Lá chuối dùng bọc thực phẩm tại siêu thị ở Hà Nội.
Lá chuối dùng bọc thực phẩm tại siêu thị ở Hà Nội.

Tiếc thay, phong trào đó không duy trì được lâu. Chợ và siêu thị lại tiếp tục xả túi nilon như chưa bao giờ có phong trào kia. Tôi nhớ ngày đó chính mình cũng cảm thấy việc dùng lá sen để gói hàng tươi sống cũng gây ra bất tiện và khiến người bán hàng nản. Một chị bán hàng khi ấy còn nói mình rất ủng hộ bảo vệ môi trường nhưng thực sự chưa có gì thay thế hoàn toàn được túi nilon.

Không khó để nhìn ra tại sao túi nilon vẫn còn nhiều như thế và vì sao lá sen, lá chuối chưa thể thay thế cho túi nilon. Nhưng vấn đề ở đây không hẳn hoàn toàn là do ý thức của con người. Một cụ cao niên sống ở gần chợ Bưởi kể lại cảm giác sung sướng khi các mẹ, các chị đi chợ mà không phải mang về hoặc mang về rất ít túi nilon.

Với một địa bàn rộng lớn, thường xuyên phải xử lý nhiều tấn rác thải, trong đó túi nilon chiếm phần không nhỏ thì chưa thể nói đến chuyện bảo vệ môi trường tốt được. Đó cũng là nỗi lo thường trực của những người có trách nhiệm và người dân sống xung quanh các khu vực ô nhiễm.

Kết hợp nhiều biện pháp để thay đổi

Thực tế có thể nhìn thấy xung quanh các chợ, sông, hồ là chiếc túi nilon xả ra, nếu không có ai dọn thì nó vẫn vô tư nằm đó sau nhiều năm. Sự ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến đất mà còn gây tác hại đến môi trường không khí, nước… Vậy nguyên nhân cốt lõi là cần phải kết hợp giữa sản phẩm thay thế và ý thức của người dân.

Ngay chính những tiểu thương buôn bán ở chợ đều không muốn xả rác ra môi trường nhưng họ không còn cách nào khác vì thực tế việc dùng lá chuối, lá sen hay các bao bì thiên nhiên không hiệu quả, mất thời gian, tiền bạc và công sức. Họ sẵn sàng chung tay góp sức để giữ gìn môi trường sạch đẹp nhưng mưu sinh vẫn là điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của họ.

Nếu muốn có một loại bao bì thay thế cho túi nilon, điều nhất thiết không phải là phát động phong trào rầm rộ. “Mưa dầm thấm lâu”, đó là thành công đã đạt được trong thời gian gần đây ở các cơ quan, công sở. Bình thủy tinh đã dần thay thế được cho chai nhựa đựng nước phục vụ các cuộc họp.

Tuy không nhiều nhưng được đến đâu thì tốt đến đó. Muốn thay đổi bao bì ở chợ truyền thống, từ túi nilon sang các loại lá hay bao bì khác thân thiện với môi trường, cần có DN sản xuất quy mô lớn với sự trợ giá từ Nhà nước hoặc chương trình xã hội hóa, làm điểm một thời gian để người dân quen dần. Sau đó, từ từ thay đổi thói quen và ý thức người dân. Khi đã thành thói quen, bài toán kinh tế cũng nhờ đó mà giải quyết được, giống như phong trào thay thế chai nhựa bằng bình thủy tinh.

Cách đây vài năm, ai cũng nghĩ thay thế chai nhựa rất khó nhưng nếu duy trì tốt và thay đổi thói quen của người tiêu dùng thì việc thay thế vẫn khả thi. Với túi nilon, số lượng còn lớn hơn nhiều, nếu chỉ thay thế một phần bằng các loại bao bì thân thiện với môi trường cũng đã rất tốt và hiệu quả rất lớn. Cần nhà cung cấp sản phẩm thay thế tốt, thay đổi thói quen và giữ lửa duy trì, đó là ba giải pháp cốt yếu và là điều kiện đủ để thành công.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần