Vi phạm hành vi cấm nhưng vẫn tổ chức đấu thầu
Cụ thể gói thầu: Mua sắm xe ô tô tải cẩu thuộc Công trình: Mua sắm xe tải cẩu có gắn gầu phục vụ sản xuất kinh doanh các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Hoà Bình. Gói thầu được tổ chức hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Nhà thầu trúng thầu: Công ty Cổ phần thiết bị Việt Trung. Giá trúng thầu đã có VAT: 8.514.000.000 VND. (Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) số 720/QĐ-PCHB ngày 12/05/2017).
Ảnh minh hoạ |
Trong HSMT của gói thầu này, chủ đầu tư/Điện lực Hoà Bình ghi rõ: Danh mục cung cấp hàng hoá xe thải 4,5 tấn cẩu (có giọ nâng người làm việc trên cao), số lượng 05 chiếc.
Đáng chú ý tại HSMT của Gói thầu này, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tham gia phải cung cấp sản phẩm cẩu sử dụng nhãn hiệu Unic- Model UR- V345. Về hạng mục dây cáp thuộc phần Tời, Công ty Điện lực Hoà Bình yêu cầu nhà thầu phải chào thiết bị theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Những yêu cầu này của Công ty Điện lực Hoà Bình đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu (Điều 89 Khoản 6 Điểm i), quy định một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu, là nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Trong Nghị định 63/2014/NĐ (khoản 7, Điều 12) của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của Bộ KH&ĐT hướng dẫn về mua sắm hàng hoá cũng quy định HSMT, “không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một, hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử…”
Chưa hết, ngoài việc yêu cầu nhà thầu tham gia phải cung cấp đúng “nhãn hiệu” hàng hoá, Công ty Điện lực Hoà Bình còn đưa ra nhiều quy định “bên lề” nằm trong mẫu HSMT mua sắm hàng hoá do Bộ KH&ĐT ban hành cũng như quy định về pháp luật đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN).
Cụ thể, đi kèm với các thông số kỹ thuật của ô tô tải gắn cầu, Công ty Điện lực Hoà Bình còn yêu cầu nhà thầu có chứng chỉ ISO 9001 cho hoạt động sản xuất, lắp ráp thiết bị chuyên dung. Cụ thể là xe tải gắn cẩu kèm theo tài liệu chứng minh là bản sao công chứng chứng chỉ ISO còn hiệu lực. Nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng trực tiếp cho gói thầu thuộc bản quyền của nhà sản xuất đối với thiết bị cẩu, và giấy phép bán hàng của đại lý phân phối xe nền.
Đơn vị sản xuất lắp ráp hàng hóa chào thầu phải có trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp, và có chúng chỉ ISO 9001:2008 hoặc tương đương cho hoạt động sản xuất lắp ráp thiết bị chuyên dùng, kèm tài liệu chứng minh là bản sao công chứng chứng chỉ ISO còn hiệu lực, và bản sao giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho 1 dòng sản phẩm của đơn vị lắp ráp được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp phép. Đáng chú ý, nhà thầu phải có cơ sở bảo hành bảo dưỡng thuộc sở hữu của nhà thầu tại khu vực phía bắc… Trong trường hợp liên danh thì đại diện liên danh phải đạt yêu cầu này.
Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, quy định: Khi xây dựng HSMT/Hồ sơ yêu cầu, không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử. Đồng thời, không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể… hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu…
Có sự ưu ái đối với hãng xe tải Hino?
Trong phần thông số kỹ thuật xe cơ sở, Công ty Điện lực Hoà Bình yêu cầu: Động cơ diesel N04C-VB (Euro 3); 4 kỳ, 4 xi lanh thẳng hàng, phun nhiên liệu trực tiếp, làm mát bằng nước. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được, tiêu chuẩn đông cơ mà Công ty Điện lực Hoà Bình yêu cầu hàng hoá mà nhà thầu chào thầu chính là tiêu chuẩn động cơ của hãng xe tải Hino N04C-VB (Euro 3).
Cụ thể như thông số: Tổng khối lượng chuyên trở 7500 kg ; Trọng lượng bản thân 2.500 kg, Chiều dài cơ sở 3870 mm; Kích thước xe (D x R x C) tương đương dài, rộng, cao tổng thể: 6735 x 1995 x 2220 mm;Công suất động cơ 150/2.800 ps/v/ph; Momen xoắn cực đại N.m/v/p 420 (1.400 v/p); Hệ thống lái có trợ lực thuỷ lực; Số chỗ ngồi 03; Điều hòa; CD/AM/FM Radio; Cửa sổ điện, Khóa cửa trung tâm… Các thông số kỹ thuật trong HSMT này của Công ty Điện lực Hoà Bình trùng với thông số calagog của xe Hino Euro 3.
Đáng chú ý, hàng hoá trúng thầu xe tải 4,5 tấn gắn cẩu cũng chính là Xe Hino Motors Việt Nam; Thiết bị cẩu: Nhập khẩu nguyên chiếc xuất xứ từ Nhật Bản. Công ty Cổ phần thiết bị Việt Trung trúng thầu, giá trúng thầu 8.514.000.000 đồng, (tương đương 5 chiếc mỗi chiếc 1.702.800.000 đồng). So với giá gói thầu đưa ra là 8.525.000.000 đồng thì giá trúng thầu chỉ vọn vẹn giảm 11 triệu đồng.
Không chỉ ở gói thầu mua sắm xe ô tô tải cẩu, tại HSMT của một số gói thầu mua sắm ô tô phục vụ sản xuất kinh doanh do Công ty Điện lực Hoà Bình làm chủ đầu tư cũng có những dấu hiệu vi phạm hành vi cấm trong đấu thầu.
“Đòn hiểm” với nhà thầu liên danh
Gói thầu mua sắm thiết bị thuộc Công trình mới các TBA phân phối khu vực huyện Mai Châu năm 2019; Xây dựng mới các TBA phối khu vực huyện Đà Bắc năm 2019; Xây dựng mới các TBA phân phối khu vực huyện Lương Sơn năm 2019; Xây dựng mới các TBA phân phối khu vực huyện Lạc Sơn năm 2019. Gói thầu được tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Nhà thầu trúng thầu Công ty cổ phần đầu tư EPT. Giá gói thầu 1.028.812.400 VNĐ. (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 1191/QĐ- PCHB do ông Nguyễn Phúc Thịnh, Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình ký ngày 13/06/2019).
Tuy nhiên, nhiều quy định tại HSMT gói thầu đang gây sự hoài nghi với đông đảo các nhà thầu về tính pháp lý cũng như mục đích “đằng sau” những quy định trên.
Cụ thể, trong trường hợp liên danh thì nhà thầu đại diện liên danh phải đạt các yêu cầu như: Nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng trực tiếp cho Gói thầu thuộc bản quyền của Nhà sản xuất và Giấy phép bán hàng của đại lý phân phối. Có tối thiểu 02 xác nhận vận hành thành công trên 24 tháng của đơn vị sử dụng tại thị trường Việt Nam do nhà thầu cung cấp tính đến thời điểm đóng thầu của sản phẩm chào thầu. Trong trường hợp liên danh thối thiểu phải có ít nhất 1 xác nhận đạt yêu cầu trên…
Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/06/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa, mẫu mua sắm và các văn bản pháp luật không quy định về “tiêu chuẩn” thành viên đứng đầu liên danh như Công ty Điện lực Hoà Bình quy định tại HSMT gói thầu trên.
Pháp luật đấu thầu chỉ quy định, đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự căn cứ theo phần công việc từng thành viên đảm nhận trong liên danh; còn đối với năng lực về kỹ thuật thì đánh giá cho cả nhà thầu liên danh mà không căn cứ theo tỷ lệ công việc phân chia trong liên danh.
Khoản 35 Điều 4 Luật đấu thầu 2013 quy định: Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh.” Các nhà thầu trong liên danh tự thỏa thuận về mức tỷ lệ % khối lượng công việc nhưng cần bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc, phần khối lượng nghĩa vụ hợp đồng mà nhà thầu cam kết đảm nhận trong liên danh.
Như vậy, nếu với căn cứ vào pháp luật đấu thầu, các nhà thầu độc lập hay nhà thầu liên danh đều có quyền chứng minh năng lực, kinh nghiệm tuỳ thuộc khối lượng công việc mà nhà thầu đảm nhận. Vậy không hiểu dựa vào cơ sở pháp lý nào mà Giám đốc Công ty Điện lực Hoà Bình lại được phép “khống chế” tiêu chuẩn của nhà thầu nói chung, thành viên đứng đầu liên danh nói riêng.
Chưa hết, trong HSMT gói thầu, Công ty Điện lực Hoà Bình còn đưa ra những quy định mà chỉ những nhà thầu “ruột” đã từng trúng thầu các gói thầu tương tự tại EVN mới có thể đủ khả năng để đáp ứng như: Tài liệu chứng minh về tính hợp lệ của hàng hóa: Có ít nhất 02 giấy xác nhận vận hành đối với hàng hóa tương tự với hàng hóa chào thầu với thời gian sử dụng tối thiểu 2 năm trên lưới điện Việt Nam; Đối với hàng hoá chính của gói thầu, nhà thầu phải cung cấp bản chụp, công chứng các loại giấy như: Giấy uỷ quyền (hoặc giấy phép bán hàng) thuộc bản quyền của nhà sản xuất, Biên bản thí nghiệm mẫu (type test) theo tiêu chuẩn TCVN, IEC hoặc tương đương loại hàng hoá tương tự hàng chào thầu; Chứng chỉ chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000 hoặc tương đương cấp cho nhà sản xuất hàng hoá; Cung cấp tài liệu để chứng minh nhà sản xuất có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất và cung cấp hàng hoá tương tự như hàng hoá chào thầu (ví dụ như: danh sách hợp đồng, bản sao hợp đồng, giấy xác nhận vận hành hoặc biên bản đóng điện nghiệm thu đưa vào vận hành hoặc tài liệu tương đương)….
Nhiều nhà thầu cho rằng, việc Công ty Điện lực Hoà Bình đưa vào HSMT đánh giá kinh nghiệm, năng lực như trên không khác gì việc triệt tiêu việc tham gia đấu thầu đối với những nhà thầu liên danh có ý định tham gia các gói thầu do Công ty Điện lực Hoà Bình làm chủ đầu tư.
Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/06/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, mẫu mua sắm nêu rõ: quy định cụ thể giấy phép bán hàng của nhà sản xuất: Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Chỉ được yêu cầu nộp giấy phép bán hàng và chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương với với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng…
Theo một chuyên gia của Cục Quản lý Đấu thầu, việc đưa ra các yêu cầu này là không phù hợp với quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT về mẫu HSMT, dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát tại các bộ, ngành, địa phương, DN kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngay những tồn tại nêu trên.
Không chỉ gói thầu mua sắm thiết bị vào năm 2019 trên, trước đó, gói thầu Mua sắm thiết bị ở các năm trước HSMT cũng đưa ra hàng loạt quy định “khó”. Đơn cử như Gói thầu thuộc công trình lắp đặt Recloser trên lưới điện trung áp năm 2017. Nhà thầu trúng thầu: Công ty cổ phần đầu tư EPT. Giá trúng thầu: 5.836.182.000 VNĐ. (Quyết định phê duyệt KQLCNT số: 893 /QĐ-PCHB ngày 28/06/2018).
Trong HSMT gói thầu này, Công ty Điện lực Hoà Bình cũng yêu cầu các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng nếu được trúng thầu bao gồm: Đối với hàng hoá chính của gói thầu, nhà thầu phải cung cấp bản chụp, công chứng các loại giấy như: Giấy uỷ quyền (hoặc giấy phép bán hàng) thuộc bản quyền của nhà sản xuất, Biên bản thí nghiệm mẫu (type test) theo tiêu chuẩn TCVN, IEC hoặc tương đương loại hàng hoá tương tự hàng chào thầu; Chứng chỉ chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000 hoặc tương đương cấp cho nhà sản xuất hàng hoá; Cung cấp tài liệu để chứng minh nhà sản xuất có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất và cung cấp hàng hoá tương tự như hàng hoá chào thầu (ví dụ như: danh sách hợp đồng, bản sao hợp đồng, giấy xác nhận vận hành hoặc biên bản đóng điện nghiệm thu đưa vào vận hành hoặc tài liệu tương đương)… Đồng thời đưa ra các quy định về nhà thầu đại diện liên danh như ở gói thầu mua sắm thiết bị 2019 đã đề cập.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.