Nâng cao ý thức tập luyện
Nhiều năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng đã và đang có những bước tiến tích cực đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành TDTT nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Tại Hà Nội, việc tập luyện TDTT có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Năm 2023, trên địa bàn TP đã có gần 1.900 giải thi đấu thể thao lớn, nhỏ được tổ chức từ cấp xã, phường, trường học, cơ quan, đến quận, huyện, TP.
Theo Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Ứng Hòa Trương Thế Hữu, trong năm 2023, số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt 40,5%. Trong đó, số hộ gia đình thể thao đạt 29% và số thôn, tổ dân phố có điểm tập luyện TDTT thường xuyên theo tiêu chí Nông thôn mới nâng cao 127/145 thôn, tổ dân phố (đạt 87,5%). Trong khi đó, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đều phát triển và đạt chỉ tiêu đề ra như: huyện Mê Linh đạt hơn 42%, quận Bắc Từ Liêm đạt 46%, huyện Quốc Oai đạt gần 50%...
“Trong những năm qua, ý thức luyện tập, tham gia các hoạt động TDTT để rèn luyện sức khỏe của Nhân dân ngày càng nâng cao. Hằng năm, nhiều giải thi đấu thể thao được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó nhiều hoạt động được tổ chức thường niên. Các CLB được thành lập giúp người già có nơi sinh hoạt và người trẻ có địa điểm tập luyện, các hoạt động tổ chức tạo không khí phấn khởi và lành mạnh” - Trưởng phòng VH&TT huyện Mê Linh Trần Thị Lan nhấn mạnh.
Thời gian qua, TP Nội đã triển khai lắp đặt thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời tại nhiều địa điểm phục vụ Nhân dân hướng đến sự phát triển toàn diện. Năm 2023, Hà Nội đã lắp ở 32 điểm trong 14 quận, huyện trên địa bàn TP, ưu tiên các huyện xa trung tâm. Dự kiến, trong năm 2024 sẽ lắp đặt ở các quận huyện còn lại và mục tiêu ở 2025 là toàn bộ TP sẽ được lắp đặt từ thôn, các tổ dân phố đều có địa điểm tập luyện.
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài, với mục tiêu đa dạng hóa hoạt động TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện thân thể của toàn dân, bên cạnh việc tiếp tục lắp đặt các điểm luyện tập mới, Hà Nội cần có một khung pháp lý để quản lý, vận hành thiết chế này. Được biết, những điểm do Sở VH&TT Hà Nội khảo sát, lắp đặt hoàn thiện sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Cùng với đó, việc duy trì và nhân rộng sẽ được hướng tới, tuy nhiên cũng cần có sự vào cuộc của các cấp và kêu gọi xã hội hoá để đảm bảo số lượng điểm tập luyện cho người dân.
Phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra
Thành công lớn nhất trong công tác phát triển phong trào TDTT quần chúng Thủ đô là có sự chuyển biến sâu sắc nhận thức về công tác TDTT trong các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đối tượng học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân viên chức, quần chúng lao động. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, thể thao Thủ đô phấn đấu đến năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu lớn về cả thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Trong đó, TP Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên từ 42,5% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao từ 31% trở lên.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, TP Hà Nội đã có những định hướng và đầu từ bài bản, trong đó việc xây dựng và lắp đặt các thiết bị TDTT ngoài trời phục vụ Nhân dân có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển đời sống của người dân. Ngoài ra, hằng năm TP cũng tổ chức phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Lễ phát động giải chạy Báo Hà Nộimới mở rộng vì hòa bình, phát động tới 584 xã, phường, thị trấn, 30 quận, huyện, thị xã. Tổ chức thành công các giải đua xe đạp tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp theo kế hoạch, 30/30 quận, huyện, thị xã, 5 sở, ngành, đoàn thể TP tổ chức Đại hội.
Đặc biệt, Đại hội TDTT Thủ đô có 9.500 lượt VĐV đến từ 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị trường THPT trên địa bàn TP. Từ các giải đấu phong trào, người dân Thủ đô có thêm niềm hứng khởi và đó cũng là tiền đề để người dân phát huy truyền thống tốt đẹp trong tập luyện TDTT, tạo đà trong các năm tiếp phát triển mạnh mẽ ở thể thao phong trào và thể thao thành tích cao, góp phần tăng cường sức khỏe toàn dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.
“Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nhận thức được ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên, huy động nguồn lực xã hội hóa TDTT, tổ chức thi đấu các môn thể thao, củng cố và tăng cường hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Cùng với đó, khuyến khích thành lập thêm nhiều CLB, điểm tập, nhóm tập TDTT… tạo điều kiện cho người dân tập luyện, giao lưu, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân” - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.