Đầu tư cho nhóm nghề có nhu cầu cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - PGS-TS Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Bắt đầu từ năm 2011, đào tạo nghề sẽ được đầu tư theo chiều sâu, thay vì dàn trải như trước.

KTĐT - PGS-TS Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Bắt đầu từ năm 2011, đào tạo nghề sẽ được đầu tư theo chiều sâu, thay vì dàn trải như trước.

Những ngành nghề có tính cạnh tranh cao, xã hội đang thiếu sẽ được tập trung nâng cao chất lượng. Mỗi trường chọn ra một, hai nghề mũi nhọn để đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Có thể nói, năm 2011, dạy nghề được kỳ vọng bước sang một giai đoạn mới.

Năm 2011, hệ thống dạy nghề cả nước sẽ đào tạo nghề cho 1,86 triệu người. Trong đó, cao đẳng, trung cấp nghề là 420.000 người; sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên là 1,44 triệu người. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn và ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo. Tổng cục Dạy nghề cũng tập trung đầu tư cho những nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như cơ điện, lắp máy, xúc ủi, hàn bậc cao, lập trình viên, kỹ thuật viên máy tính... Các nhóm công việc mang tính thời vụ nhưng thị trường trong và ngoài nước đang có nhu cầu cao như giúp việc gia đình… cũng được đầu tư mạnh trong năm nay. Từ năm 2011 đến năm 2015, Bộ sẽ chọn 13 trường cao đẳng nghề để triển khai đào tạo nghề mũi nhọn. Theo đó, mỗi trường chọn từ 3 đến 5 nghề để đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.

Năm 2011, Bộ LĐTB&XH cũng đưa Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 (có tổng kinh phí 41.000 tỷ đồng) vào triển khai. Trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực, Tổng cục Dạy nghề tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới dạy nghề về quy mô, cơ cấu trình độ, ngành nghề đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành, vùng. Đồng thời để nâng cao chất lượng giảng dạy, từ nay đến 2015, hơn 15.000 giáo viên sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề theo chương trình dạy nghề tiên tiến. Những giáo viên, giảng viên giỏi sẽ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo chương trình của Chính phủ. Để bảo đảm và kiểm soát chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và XKLĐ, Bộ sẽ mời một cơ quan kiểm định nước ngoài tới đánh giá, thẩm định chất lượng dạy nghề độc lập để công nhận chất lượng nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

Theo khảo sát tại các doanh nghiệp, trong thời gian tới, nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề chiếm trên 40% tổng số lao động cần tuyển dụng. Như vậy, yêu cầu về "chất" và "lượng" đang là vấn đề cấp thiết, đặc biệt là những lao động có tay nghề cao. Hiện các cơ sở đào tạo nghề đã bước đầu có sự điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp như mở thêm nhiều nghề đào tạo mới, xây dựng chương trình khung giảng dạy phù hợp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên với sự "chung tay" của các doanh nghiệp. Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cho biết, Tổng cục đang hướng tới hình thức liên kết chặt giữa các trường với doanh nghiệp, cùng hỗ trợ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ. Đối với những ngành nghề mũi nhọn, công nghệ cao, sẽ đào tạo theo hình thức đáp ứng hợp đồng đặt hàng. Theo đó, các doanh nghiệp có thể chủ động đưa ranhu cầu nguồn nhân lực của mình, tư vấn về yêu cầu mà một lao động cần có, để từ đó nhà trường có điều chỉnh trong đào tạo. Mục tiêu hướng đến là cái "bắt tay" giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ được siết chặt để không còn xảy ra tình trạng đào tạo hàn lâm, xa rời thực tiễn như những năm trước.