Đầu tư chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất năm qua

Hà Phương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hoạt động đầu tư chứng khoán của thị trường châu Âu tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

 Sàn giao dịch chứng khoán tại thị trường Đức.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giúp duy trì đà tăng sau quyết định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu khai thác khoáng sản cũng hỗ trợ giúp chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng. Tuy nhiên, mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với phiên cuối tuần trước, thậm chí chứng khoán Pháp quay đầu giảm điểm do nhóm cổ phiếu tiện ích của Pháp lao dốc mạnh.

Vụ tấn công khủng bố tại khu chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin, Đức xảy ra sau khi thị trường đóng cửa, nên không ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Hiện, cổ phiếu của công ty Mediaset Spa đã tăng lên 13%, trong khi chỉ số Stoxx Europe 600 Index tăng 0,4% tại thị trường London. Chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,52 điểm (+0,08%), lên 7.017,16 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,69 điểm (+0,20%), lên 11.426,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,50 điểm (-0,22%), xuống 4.822,77 điểm.

Đi ngược lại với đà tăng của thị trường Âu – Mỹ, các thị trường mới nổi lại chịu áp lực giảm trong phiên giao dịch ngày 20/12, nguyên nhân được cho là do những lo ngại về địa chính trị sau các cuộc tấn công gây thương vong ở châu Âu. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,47%, hay 103,62 điểm, xuống 21.729,06 điểm và đây là phiên thứ 4 liên tiếp chỉ số này giảm điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,49%, hay 15,2 điểm, xuống 3.102,88 điểm, khi các nhà đầu tư chịu tác động tâm lý trước việc đồng nhân dân tệ yếu hơn và lãi suất trái phiếu tăng. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,17%, hay 3,55 điểm, lên 2.041,94 điểm.

Tại thị trường châu Á, chỉ có Nhật Bản quay đầu tăng điểm, sau khi chứng kiến hoạt động bán tháo do đồng Yên lên giá. Chốt phiên, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,53%, hay 102,93 điểm, lên 19.494,53 điểm, khi Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) chưa tung thêm các biện pháp kích thích nhưng đưa ra đánh giá lạc quan về nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong bối cảnh xuất khẩu bứt lên nhờ đồng Yên yếu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần